bắc hành – 2016, phần 35

ình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh có lẽ là ngôi đình lớn nhất Việt Nam còn tồn tại đến ngày hôm nay, lớn hơn hẳn đình Mông Phụ, Đường Lâm tôi đã ghé thăm trong chuyến Bắc hành năm ngoái. Đình xây theo hình thể chữ đinh, điểm đẹp nhất là mái đầu đao vươn xa, bố cục rộng lớn. Nhìn kỹ, sẽ thấy hai con lân chầu ở cửa đình… không giống nhau.

Không phải là một cặp cân xứng giống hệt nhau, mà mỗi con lại là một điêu khắc khác biệt. Điều thú vị trong kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật Việt là ở chỗ này chỗ kia, bạn lại bắt gặp một chi tiết gì đó phá cách, bất thường, không tuân thủ theo những quy tắc phổ biến. Như tượng con đá chó phía sau ngôi đình cũng là một điều đặc biệt, tự nhiên, không ước lệ.

Những điêu khắc gỗ trong đình còn lại không quá nhiều, cũng như những điêu khắc đá mới bổ sung, tôn tạo sau này, cùng với những chiếc đèn lồng đỏ nhìn… lạc tông, không đồng điệu. Nhưng ít ra chúng ta còn có được một công trình tương đối hoàn thiện, để biết được rằng kiến trúc Việt ngày xưa như thế nào, trải qua bao thăng trầm của chiến tranh và thời gian.

Nếu như ai đó nghĩ rằng kiến trúc Việt, từ dân gian, đình chùa đến cung đình đều chỉ be bé, xinh xinh, không có gì quá vĩ đại thì… thực ra đúng là như thế. Khắp cả Bắc, Trung, Nam, kiến trúc Việt còn kém đặc sắc so với kiến trúc Lào, Campuchia. Nhưng mặt khác, các bạn cũng hãy bớt xem phim Tàu đi, mà nhìn rõ trên quê hương chúng ta còn lại những gì.