bắc hành – 2017, phần 21, kết

àng vào Nam, thời tiết càng lúc càng nóng bức, mà dải bờ biển từ Cam Ranh vào đến Vũng Tàu đã biết tương đối kỹ. Thế nên quyết định “đổi gió” một chút cho hành trình, thay vì toàn là những cảnh quan vùng biển, cũng nên trải qua một chút không khí miền núi. Từ Cam Ranh, rẽ qua quốc lộ 27B đi Đà Lạt, thăm lại quãng đèo Ngoạn Mục mà đã từ lâu không đi lại. Đèo Ngoạn Mục cái tên được dịch từ tiếng Pháp là Bellevue (nice view) hay còn được gọi là đèo Sông Pha, lấy theo tên con sông “Krong Fa”.

Dọc tuyến đường này, còn thấy nhiều vết tích của tuyến đường xe lửa răng cưa mà người Pháp xây dựng từ Tháp Chàm đi Đà Lạt (nay đã hoang phế). Đoạn đường này nổi tiếng nguy hiểm với các loại xe khách, mặc dù núi đồi không phải là quá hiểm trở, độ dốc cũng không phải là quá lớn, các khúc cua cũng không phải là quá khúc khuỷu so với các con đèo khác. Nhưng đơn giản là vì các con dốc quá dài, hơn 150 km toàn lên (xuống) dốc liên tục, dể cháy thắng xe nếu tài xế không lưu ý!

Từ trên đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, cảnh quan thật đúng là… ngoạn mục. Đứng ở đây có được một cảm giác, hình dung rất rõ về cao nguyên Lâm Viên nổi bật lên hẳn trên nền cảnh quan xung quanh như thế nào. Hành trình tiếp tục đi về Đà Lạt, thành phố ngày càng hiện đại và đông đúc, trước khi đổ đèo Prenn, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối, theo quốc lộ 20 qua Phương Lâm, Tân Phú, Định Quán, La Ngà, Thống Nhất, Dầu Giây, Trảng Bom, Biên Hoà… về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình!

44 ngày đi dọc theo bờ biển Việt Nam, với quá nhiều những trải nghiệm, những phát hiện thú vị. Như thuyền máy có xiếm ở Quất Lâm, Nam Định, ghe buồm “ba vách” cổ truyền ở Quảng Yên, Quảng Ninh, hay những chiếc ghe composite nhỏ trên đảo Cát Bà. Từ những cảnh quan thoáng đạt của vùng biển khu bảo tồn Núi Chúa, Phan Thiết, hay hoàng hôn cửa biển Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đến không gian đầy kỷ niệm của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, hay chèo kayak trên vịnh Hạ Long…