bắc hành – 2016, phần 26

hường đi như thế này, tôi tin bản đồ với định vị GPS hơn là tin người địa phương. Những người địa phương thường mô tả không giống nhau về phương hướng, chiều dài lộ trình. Hơn nữa, với địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn như ở đây, sự thật là nhiều người… chưa bao giờ đi quá nơi mình cư ngụ hơn 50 km. Thế nhưng không phải lúc nào bản đồ cũng đúng!

Thực sự là một tai hoạ khi bản đồ vẽ sai, mà sai dư chứ không phải sai thiếu. Hôm nay, dựa theo bản đồ trên điện thoại, tôi đi theo con đường từ Mèo Vạc qua Lũng Phìn, rồi tiếp tục từ Mậu Duệ đi Niêm Sơn. Đến nơi thì mới biết cái con đường vẽ trên bản đồ đó không tồn tại trong thực tế, WTF!? Loay hoay cả một ngày trời để rồi phải quay trở lại nơi xuất phát!

Đôi điều về đường đi trên những địa hình như ở Đồng Văn, trên bản đồ, từ điểm A đến điểm B nhìn rất gần, đường chim bay chưa đến 20 km, nhưng thực tế, đường… chim đi bộ dài hơn 100 km, vì phải uốn lượn qua không biết bao nhiêu là núi non. Và 100 km đó, nếu đường bằng bình thường chỉ mất khoảng 2h, thì thực tế, loay hoay 5, 6 h vẫn chưa thấy tới!

Vì đường xấu, đèo dốc kinh khủng, sương mù dày đặc, nhiệt độ 4 ℃, mất cả gần một ngày chỉ đi được hơn 100 km. Nên thực sự để đi tốt những cung đường như thế này, không chỉ cần một bản đồ đúng, mà nên nghiên cứu trước luôn bản đồ địa hình (topographic map) của khu vực, hình dung ra những khối núi qua những đường đồng mức (contour lines).