tại sao kayak? phần 4

ừ xa xưa, châu Âu đã có những loại canoe nhỏ, hẹp, chèo bằng mái chèo đôi, nhưng họ vẫn gọi đó là canoe. Cho đến khi những mẫu thuyền kayak của người Eskimo, người Inuit “du nhập” vào châu Âu, thời gian đầu nó vẫn chưa được thừa nhận chính thức. Có vẻ như người châu Âu đã nhận ra ưu điểm của loại thuyền mới này (gọi đúng theo phiên âm thổ dân phải là qajag), nhưng vẫn “ngoan cố” sửa những chiếc canoe của họ cho dài hơn, hẹp hơn, chứ chưa chịu cho kayak một “danh phận” chính thức! 😀

Thế nhưng, phải đến khi có những tiếp xúc, những bản tường trình, báo cáo “tai nghe mắt thấy” về cái cách những người thổ dân Inuit, Eskimo, Aleut, Greenland… dùng thuyền kayak để đi săn hải cẩu, thực hiện những cuộc hành trình kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần, băng qua những vùng biển băng tuyết lạnh giá, trong những điều kiện thời tiết bão tố, sóng to gió lớn đến mức “không tưởng” thì người châu Âu mới bắt đầu có những cái nhìn khác đi, nghiêm túc hơn về loại thuyền này.

So với rowing canoe, kayak không thể nhanh bằng, cũng không thể chở nhiều hàng hoá bằng, và có vẻ như nó cũng không an toàn bằng, khi chiếc thuyền quá bé, và vị trí ngồi gần như là sát mặt nước. Thực ra xét ra trên mọi phương diện, kayak chẳng có gì nổi trội hơn các loại thuyền khác. Nhưng những bằng chứng về khả năng sống sót trong môi trường biển động, khả năng vượt qua những chặng đường dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm cái nhìn của người phương Tây thay đổi.

Đành rằng sống sót và tiến lên phía trước, điều đó phụ thuộc phần lớn vào khả năng của người chèo, và những tộc người Aleut, Eskimo… nổi tiếng là những con người dẻo dai, sắt đá, điều đó là do môi trường sống tôi luyện nên. Nhưng phần khác, từ góc độ kỹ thuật, cũng là do thiết kế của con thuyền. Mỗi chiếc kayak đều được đóng sao cho sít sao, phù hợp với người chèo nó, kiểu như ta phải đo chân để đóng giày cho vừa vậy. Cho đến hiện tại, người Inuit vẫn đóng kayak theo những thước đo “không giống ai”.

Họ có những “cách đo lường sinh trắc học”, ví dụ như: thân thuyền nên dài khoảng gấp 3 lần chiều cao người chèo, bề rộng của thuyền nên bằng bề rộng của vai cộng thêm khoảng từ 4 đến 8 ngón tay… Ấy thế nên mỗi người tự đóng cho mình chiếc thuyền phù hợp với cơ thể của chính mình, không có chiếc kayak nào giống chiếc kayak nào cả. Và thực sự, đến bây giờ, sau khi đã đóng 4 chiếc kayak, tôi mới có được cái cảm nhận rằng, cách đo lường như vậy có cái “lý” thâm sâu nội tại của nó!