bắc hành – 2017, phần 18

ừ Hà Tĩnh trở đi đến bắc đèo Hải Vân, một đợt gió mùa đông bắc nữa lại tràn về. Nhiệt độ chỉ tầm 17 ~ 18 độ, nhưng cảm giác rét buốt rất khó chịu. Nói thêm về kiểu khí hậu lạnh ẩm của vùng này, nước khi bám vào người sẽ mượn thân nhiệt để bay hơi, nếu có gió thì việc bay hơi càng mạnh, điều đó khiến cơ thể mất năng lượng nhanh chóng, lập tức “báo động”… run bần bật. Thế nên đôi khi thời tiết chỉ rét cỡ 17 ~ 18 độ, nhưng cảm giác như là 10 ~ 12 độ, ngay cả khách Tây cũng phải xuýt xoa.

Thực ra, thời tiết đã ấm hơn một chút so với chuyến đi ra, nhưng cũng vẫn rất khó chịu. Sau khi ghé thăm biển Thiên Cầm xong, liền chạy nhanh qua cho hết vùng khu 4 này: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Những địa danh thành phố, thị xã, thị trấn lướt qua vùn vụt: tx. Ba Đồn, tt. Hoàn Lão, tp. Đồng Hới, tt. Quán Hàu, truông nhà Hồ, tt. Hồ Xá, tt. Gio Linh, tp. Đông Hà, tt. Ái Tử, tx. Quảng Trị, tt. Hải Lăng, tt. Phong Điền, tx. Hương Trà, tp. Huế, tx. Hương Thuỷ, tt. Phú Vang, tt. Phú Lộc, tt. Lăng Cô…

Qua đèo Hải Vân vào đến địa phận Đà Nẵng, trời vẫn hơi lạnh nhưng đã dễ chịu hẳn. Đã rất nhiều lần đi ngang qua Đà Nẵng trong các chuyến xuyên Việt trước, nhưng chưa ghé lại bao giờ. Nay thử ghé qua xem thử diện mạo thành phố đã thay đổi như thế nào sau chừng ấy năm, từ con đường ven biển Vũng Thùng đến làng chài Thuận Phước, đường Bạch Đằng dọc sông Hàn, cầu Thuận Phước qua Sơn Trà… 20 năm… thành phố bây giờ mới có được một gương mặt khang trang nhìn hướng ra biển lớn.

Nó không còn là một thành phố khép kín, hướng mặt ra sông như thời xa xưa nữa, vùng cửa sông Hàn ven Thuận Phước và Tiên Sa, những âu thuyền được quy hoạch rõ ràng, tàu thuyền đánh cá của ngư dân đậu thành hàng lớp ngay ngắn, đường sá cũng thật rộng rãi, tinh tươm. Không thể dằn lòng chạy xe một vòng quanh Sơn Trà, trên con đường hơn 30 km vòng quanh bán đảo, nay đã là đường trải nhựa rộng và đẹp. Khi tôi còn nhỏ, vòng quanh đảo chỉ có một con đường mòn nhỏ.

Đường làm từ năm 1979 (do sợ Trung Quốc đổ bộ đường biển nên làm con đường đất để kéo pháo ra đặt ở đó), về sau không dùng nữa nên cây cỏ mọc che lấp hết, nhiều đoạn thậm chí không còn vết tích. Con đường ra đó qua bãi Bụt, bãi Trẹ, bãi Nồm, bãi Bắc… phải băng qua nhiều quãng rừng, leo qua nhiều ghềnh đá. Giờ đã thành một khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch, chăm sóc cẩn thận. Đây chính là “thiên đường tuổi thơ” của tôi, một thời rong chơi, nghịch ngợm, vẫy vùng, mơ mộng… 😀