bắc hành – 2017, phần 16

hó có thể ước định được quy mô xây dựng của Lam Kinh ngày trước, vì đa số các công trình là được tạo tác mới gần đây, dù có tham khảo các thông tin khảo cổ. Tại hiện trường, những hố khảo cổ vẫn được bảo lưu cho du khách tham quan, dấu vết nền móng cung điện xưa, xây bằng gạch vồ, có thể thấy rõ những đường ống dẫn nước làm bằng sứ, đường kính chừng 20 cm. Bên cạnh khu du tích mới xây này là đền thờ vua Lê Thái Tổ cũ, do nhân dân tự phát xây dựng vì ngôi đền cũ đã bị tàn phá.

Phía trước đền đề: Lam Sơn động chủ linh từ, tức Lê Lợi, người thường hay tự gọi mình là Lam Sơn động chủ, hay Ngọc Hoa động chủ, phía trong có treo một bức hoành mà theo tôi là rất hay, không giống như những lời tán tụng công đức tầm thường khác: Nam quốc sơn hà tự thử, nghĩa là: Sông núi nước Nam từ đó…, một kiểu nói lấp lửng, gợi ý, như kiểu ngày nay phải viết có dấu 3 chấm, để cho người đọc muốn hình dung, muốn điền gì vào chỗ trống thì điền! 😀

Cả một khu rừng nhỏ xanh mướt, với rất nhiều cây cổ thụ lớn nhỏ, nhiều cây lớn sừng sững, có tuổi đời trên 600, 700 năm tuổi, hiếm khi thấy được một khu đền miếu, lăng tẩm mà cảnh quan chung quanh được bảo lưu tốt đến như thế! Phần trước của khu di tích có trưng bày bản sao của tấm bia Thân chinh phục Lễ châu Đèo Cát Hãn xưa nằm tại Mường Lay, Lai Châu, do vua Lê Lợi ngự bút đề khi thân chinh đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn, tấm bia “ký tên”: Ngọc Hoa động chủ.

Quan sát thư pháp trên tấm bia này, như chữ Ngọc được viết với một lối rất lạ, dấu chấm nằm lệch vị trí. Suy nghĩ một hồi, tôi cho rằng rất khó có khả năng người xưa viết sai, hay công tác nhân bản bia đá làm sai, có thể chỉ là… nghệ thuật Việt Nam, trong rất nhiều các thể loại: thư pháp, hội hoạ, gốm sứ… nếu quan sát kỹ, thi thoảng vẫn luôn có chỗ “lệch chuẩn” như thế, luôn luôn có một vài yếu tố bất chợt, ngẫu hứng, tự phát ở đâu đó trong cách trình bày, trang trí một tác phẩm mỹ thuật.

Những công trình mới tôn tạo sau này, dù chưa hoàn tất, cũng giúp hình dung lại một Lam Kinh rất bề thế ngày xưa. Rải rác đây đó vẫn còn nhiều chi tiết giúp hình lại đường nét kiến trúc, điêu khắc cổ: bờ kênh đào và giếng nước lớn lát đá, cổng Ngọ môn rất lớn với hai con nghê chầu phía trước, sân chầu với cặp rồng đá độc đáo, Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ), Hựu Lăng đơn giản với 5 cặp tượng nhỏ: quan hầu, nghê, ngựa, tê giác, hổ phía trước, bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn thảo…