bắc hành – 2016, phần 39

ố cục khuôn viên gồm một hồ nước lớn phía trước, phương đình (đồng thời là lầu chuông, gác trống), nhà thờ chính và 4 nhà thờ nhỏ hơn nằm hai bên, cùng với một nhà thờ nhỏ xây toàn bộ bằng đá. Nhà thờ chính có 48 cột gỗ lim cao đến 11 m (chỉ sau điện Thái Hoà), rất cao so với kỹ thuật xây dựng đương thời, tạo nên một không gian giáo đường cực rộng.

Đến Phát Diệm là để xem mỹ thuật của điêu khắc đá, thật sự là tinh vi và tuyệt đẹp. Các tượng thiên sứ được Việt hoá, phảng phất nét người Việt trên khuôn mặt. Nhưng điêu khắc gỗ nội thất mới thực sự là đỉnh điểm tài hoa và đẹp đẽ ở ngôi giáo đường này. Có thể nói không đâu khác ở Việt Nam mà điêu khắc gỗ đạt đến mức phức tạp, tinh vi, kỳ tài như thế!

Thật tiếc là không phải gian thờ nào cũng mở cửa cho du khách vào thưởng lãm, nên tôi cũng chỉ chiêm ngưỡng được phần nào các điêu khắc gỗ. Một số nơi, thời gian, chiến tranh đã tàn phá rất nhiều trang trí mỹ thuật. Và Phát Diệm đang chịu sự huỷ hoại dần dần theo thời gian do xây dựng trên nền đất yếu, các công trình dần bị nghiêng, xô lệch.

Chính giữa phương đình có xây một bệ tam cấp đá rất lớn, tương truyền là để dành cho quan lại địa phương (quan nhà Nguyễn) ngồi giám sát mỗi khi giáo dân hành lễ. Phải đến và xem, thì mới hiểu được, một thời, đạo pháp và dân tộc đã được hội nhập, biến hoá và dung hoà, đã đạt tới những trình độ nghệ thuật mà có lẽ thời bây giờ không thể bằng được!