aquarium – pc, phần 2

uốn cho máy tính chạy vừa mát, vừa im lặng thì ta phải… ngâm nó vào trong cái “bể cá”! 😀 Đầu tiên là chuẩn bị, tiền xử lý các bộ phận máy, con Dual-Xeon đem về chưa xài được bao lâu thì tháo bung ra, tháo 2 cái tản nhiệt nước ra, thay vào đó 2 cái tản nhiệt đồng đơn giản hơn! Card màn hình cũng vậy, các quạt làm mát đều gỡ ra hết, mua một sợi cáp dựng (riser cable) để đặt cái card nằm ngang song song với mainboard! Vì card có kích thước khá lớn, nên cắm vào khe PCI nằm dọc sẽ làm tăng thể tích bể chứa một cách đáng kể, quay ngang cái card sẽ giúp bề dày bể cá giảm xuống còn khoảng 10cm. Tiếp là đến cái PSU – nguồn cấp điện cũng tháo ra từng phần, gỡ bỏ quạt, nguồn điện thực ra chính là phần sinh nhiệt nhiều nhất trong toàn bộ hệ thống máy tính, và việc nhúng nó vào dầu khoáng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù trên lý thuyết là nó vẫn phải làm việc đúng, để xem thực tế thế nào!

Bể chứa làm bằng tấm nhựa acrylic 5mm, dán bằng methylene chloride – CH2Cl2 (đều đặt mua trên Shopee)! Công đoạn làm bể cá này rất quan trọng, phải cẩn thận từng tí, cắt nhựa, dùng giấy nhám mài cho phẳng các mối nối, dán lại với nhau. Nếu làm không tốt về sau rò rỉ chất lỏng bên trong ra là sẽ rất phiền, dù rằng dầu khoáng thì an toàn, không có gì đáng lo ngại: không dẫn điện, không bay hơi, không bắt cháy ở nhiệt độ dưới 135 C thông thường! Bể được chia thành 2 phần lồng vào nhau như cái ngăn kéo, như thế có thể kéo ra sửa chữa, nâng cấp hệ thống dễ dàng! Cái máy bơm chìm hồ cá sẽ đóng vai trò luân chuyển chất tải nhiệt (dầu khoáng) từ trong bể ra tản nhiệt (radiator) và ngược lại! Máy bơm là thành phần có chuyển động duy nhất trong toàn hệ thống, tuy có thể gây ra tiếng ồn nhưng do đặt ngập hoàn toàn trong chất lỏng nên hy vọng là tiếng ồn sẽ giảm đến mức bên ngoài không nghe thấy!

Mình chỉ được cái “hay làm” thôi, chứ thực tình mà nói không hề “khéo tay”, làm cái bể cá giản đơn mà vẫn có khá nhiều lỗi, keo methylene chloride văng tung tóe làm hoen ố mặt kính! Nhưng sau đó phát hiện được cách sửa lỗi cũng khá hay: dùng epoxy quét nhẹ lên vết ố là nó sẽ mờ đi, đến khi đổ chất lỏng vào trong bể là sẽ không thấy vết nữa! Chính vì không tự tin với kỹ thuật dán keo lắm nên quyết định dặm thêm một lớp epoxy tại các mối nối, vừa bịt các kẽ hở nếu có, vừa làm cái bể cá cứng cáp hơn, vì nhựa acrylic không thực sự cứng! Tuần tự từng bộ phận của máy tính được xếp vào ngay ngắn: nguồn, mainboard, card màn hình, tất cả đều được bắt vít hay dán keo xuống tấm acrylic nền bên dưới. Sắp xếp các hệ thống ống và dây rất mất thời gian, làm sao cho gọn gàng, không rối, đủ thứ loại dây cáp: cáp màn hình, cáp nguồn, cáp USB, cáp audio, 2 sợi cáp mạng, cáp khởi động máy, etc…