bắc hành – 2017, phần 15

ành trình trên đất Bắc đã bước qua tuần thứ 4, chuyến đi nào rồi cũng sẽ phải đến hồi vãn cuộc… 😢 Từ Quảng Ninh, hành trình quay trở lại Hà Nội rồi xuôi về Nam theo quốc lộ 1. Dự tính trong đầu là sẽ đi nhanh, đi suốt để nhanh chóng trở về, nhưng những ngẫu hứng dọc đường thôi thúc có thêm nhiều tò mò, hiểu biết mới. Ngang Hà Trung, Thanh Hoá, quyết định đi về phía Gia Miêu ngoại trang, xưa thuộc phủ Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, đất phát tích, “thang mộc” của triều Nguyễn.

Và nay là thôn Gia Miêu, thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, một thời là nơi có những công trình kiến trúc bề thế, tinh xảo hàng đầu xứ Thanh, mà điển hình là Triệu miếu, nơi thờ hai bậc tổ tiên dòng họ Nguyễn là Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Xem lại ảnh xưa, Triệu Miếu như một kinh thành Huế thu nhỏ lại, mà nay không còn vết tích gì. Tất cả đã bị tháo dỡ, phá hoại những năm 50, 60 thế kỷ trước, chỉ còn đình làng Gia Miêu sót lại vì nó không đại diện cho dòng họ Nguyễn mà cho cả làng.

Triệu miếu nay đã được xây dựng mới lại trên nền cũ, nhưng quy mô và độ tinh xảo thì đã mất đi vĩnh viễn. Hành trình tiếp tục đi về phía đình làng Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung cách đó không xa. Đình đã xuống cấp nhiều, những khắc hoạ trang trí đã phai mờ cùng năm tháng, nhưng đáng lưu ý là khác với những đình khác, bên cạnh những motif trang trí long lân quy phụng, tùng cúc trúc mai, đình Thượng Phú có nhiều chi tiết trang trí mô tả sinh hoạt hàng ngày: chọi gà, bắt cá… rất sống động!

Hành trình tiếp tục đi dọc triền đê sông Mã lên phía thượng nguồn, về xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, quê nhà của các đời chúa Trịnh. Miếu thờ các đời chúa Trịnh ngoài cổng có đề: Trịnh vương phủ, nét chữ nguệch ngoạc xấu xí mà tôi ngờ rằng là do người đời nay tạo tác. Điện thờ những bức tượng các đời Chúa, làm bằng đất sét phủ sơn, nhìn khá sang trọng, đường bệ. Chính giữa điện thờ có bức hoành đề: Tiên tổ thị vương như một lời tự hào, nhắc nhở con cháu!

Như thế, hai họ Trịnh và Nguyễn thực ra ngày xưa sống khá gần nhau, chỉ cách nhau độ 15, 20 km tính theo đường chim bay. Hành trình bỏ qua di tích thành nhà Hồ (đã ghé thăm trong các chuyến xuyên Việt trước) mà đi về Lam Kinh, xã Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, khu di tích miếu thờ và lăng mộ các vua Lê đã được tôn tạo, xây mới lại gần đây (2009) trông rất là bề thế, nằm bên bờ sông Chu (một nhánh của sông Mã) trên một quả đồi, giữa một cánh rừng nhỏ được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận.