tại sao kayak? phần 5

hững chiếc kayak trước của tôi đều dài 18 feet, chèo khá nặng. Chiếc Serene – 2 gần đây nhất ngắn hơn 1 chút, gần 17 feet, tức là hơn 5.1m một chút, xấp chỉ 3 lần chiều cao của tôi (1.7m), và cảm giác chèo thuyền rất nhẹ nhàng, êm ái. Đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ về thiết kế thuyền chèo, nó không những phải phù hợp với những quy luật vật lý của tự nhiên, nào là thuỷ tĩnh học, nào là thuỷ động học, mà nó còn phải phù hợp với những quy luật tâm sinh lý của người chèo nó.

Nói theo kiểu của Kim Dung là người và thuyền hợp nhất! 😀 Khả năng của chiếc kayak tới đâu, điều đó phụ thuộc lớn vào người chèo. Với những người chèo kayak chuyên nghiệp, một số giới hạn sau thường được biết đến: gió cấp 4 (Beaufort scale): chèo thoải mái, gió cấp 5: vẫn đi tốt, nhưng chậm, gió cấp 6: vẫn có thể cố gắng trong vài giờ, từ cấp 7 trở lên: nên ở trên bờ, không nên đi ra ngoài 😀! Những giới hạn ấy, so ra vẫn là khá tốt (nhỉnh hơn) so với những dạng thuyền nhỏ khác như sailing dinghy.

Đó là những “giới hạn” chung chung cho những người chèo thuyền tương đối chuyên nghiệp, nhưng thực ra cũng chẳng có nghĩa lý gì với những ai đã thích phiêu lưu mạo hiểm. Những câu chuyện về chèo kayak trong gió cấp 8, 9, sóng biển cao trên 4m (nhưng phải là bước sóng dài) cũng không phải là quá hiếm gặp. Thêm một điều nữa, tuy gọi là sea kayak, nhưng thực ra luôn đi ven bờ (ngoại trừ 1 số ngoại lệ hiếm hoi), đơn giản vì người chèo cần chỗ để nghỉ ngơi sau một ngày dài chèo thuyền mệt mỏi.

Thiết nghĩ cũng không thừa nếu nhắc lại một điều rằng: với tất cả các loại tàu thuyền, kể cả tàu ngầm, từ 0.1 tấn cho đến 500,000 tấn, điều tối quan trọng để sống sót trong giông tố, đó là trọng tải giằng (ballast). Những chiếc kayak hay xuồng rowing nhỏ, nhìn có vẻ rất an toàn trên sóng nhỏ 0.5 ~ 0.7m, nhưng khi ra đến môi trường biển động, sóng cao từ 1m trở lên, nhất thiết phải có ballast, dưới dạng là nước uống đóng chai, đồ hộp hay các vật nặng khác lèn chặt vào đáy thuyền.

Như chiếc kayak của tôi, khi chất hàng đầy tải (thực sự là hơi quá tải 1 chút so với thiết kế), phần mạn khô chỉ còn độ 2, 3 cm. Nhưng như thế, con thuyền nổi lập lờ trong nước, sóng gió rất khó lật thuyền, nếu các nắp khoang chứa hàng kín nước, thì con thuyền không thể chìm được, vẫn cứ nổi lập lờ như thế mặc cho sóng tràn qua. Dĩ nhiên là rất rất hao sức để chèo con thuyền nặng đi về phía trước, nhưng nặng hay nhẹ không phải là điều bạn quan tâm khi đang ở giữa một cơn dông lớn!