bắc hành – 2017, phần 19

ại tiếp tục đi về phương Nam, từ Đà Nẵng theo con đường ven biển, chẳng mấy chốc đã đến Hội An, lại tiếp tục băng qua cầu Cửa Đại vừa mới xây xong để đi Tam Kỳ, Núi Thành, vẫn theo con đường ven biển. Từ đây vào đến quá Bình Định là những vùng đất đã biết tương đối rõ nên không phải để tâm quan sát nhiều nữa. Gần đến Sa Huỳnh (cuối Quảng Ngãi), bổng gặp 2 nhà sư đang hành hương từ Cà Mau về Yên Tử, đi theo kiểu bước 2 bước lại quỳ xuống lạy một lạy sát đất.

Họ đã đi như thế được 2 năm rưỡi, và hiện tại cũng chỉ mới được khoảng hơn nửa đường. Tôi thấy nhiều người vẫn hay trích dẫn những lời Phật dạy về từ bi, trí tuệ, những loại “bi” và “trí” lặt vặt, phiến diện, lập lờ cố tình đặt sai ngữ cảnh, mà quên đi rằng lời Phật dạy đầy đủ phải là: bi, trí và dũng. Sống trên cuộc đời này, nếu “trí tuệ” và “từ bi” mà chỉ cần dùng những lời nói chót lưỡi đầu môi mà có được dễ dàng thì dân tộc Việt Nam đâu có phải trải qua nhiều kiếp nạn đến thế!?

Người ta đã cố tình lờ đi rằng lời Phật dạy đầu tiên là phải có dũng khí, đảm lược hơn người. Không có hùng tâm, tráng khí thì không thể hoàn thành những hành trình như thế này được, ấy mới là công đức, chứ không phải việc đi chùa, cúng dường, phóng sanh, và lên Face tán láo về Phật pháp. Chính tiện nghi của cuộc sống hiện đại, sự phổ thông của các kênh truyền thông đại chúng đã dẫn đến một sự xuống cấp, lệch lạc tệ hại đến như thế, chẳng có loại “bi” và “trí” nào mà lại dễ dàng và rẻ tiền cả!

Dừng ăn trưa ở tt. Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định, đối diện quán ăn nhác thấy một biển chữ Hoa đề: Nam Sinh dược phòng, à thì ra là 1 tiệm thuộc Bắc. Nhìn xung quanh lại thấy thêm 6, 7 tiệm như thế, chỉ trong vòng 1, 2 trăm mét, đã là một chuyện lạ. Các cửa hàng ở đây đồng loạt đề: “hiệu buôn X”, “hiệu buôn Y”, không dùng những từ ngữ hiện đại hơn như: “cửa hàng” hay “shop”. Đoán trong đầu, quanh đây thế nào cũng có vài nhà may, tiệm đóng giày hay sửa đồng hồ… quả đúng là như thế! 😀

Hành trình tiếp tục đi qua Bình Định: An Nhơn, Quy Nhơn, chạy dọc phía Đông của đầm Cù Mông để về tx. Sông Cầu. Rồi tiếp tục đi về phía ghềnh Đá Đĩa, nằm ở phía Nam của vịnh Xuân Đài, qua sông Phú Ngân bằng cầu Ông Cọp, một cấu trúc cầu gỗ làm theo lối dân gian xưa dài trên 800m. Đến ghềnh Đá Đĩa để tưởng tượng ra, hàng triệu năm trước, những dòng nham thạch núi lửa nóng chảy tràn xuống, gặp nước nguội lại và tạo nên những cột đá đa giác (mà phổ biến là lục giác) như thế nào!