xăm hường

Xăm hường

Tứ sắc

rò chơi ni người mô gốc Huế hay Hội An xưa thì mới biết: xăm (xâm) hường. Bi chừ không mấy ai còn nhớ và chơi trò ni nữa! Khi nhỏ, ba ngày Tết không gì vui hơn là đổ xăm hường hay gầy sòng tứ sắc (ba mẹ tôi còn nói chưa biết chơi tứ sắc thì chưa phải là người Huế 😬). Trong các trò bài bạc “truyền thống” VN, miền Trung và miền Nam thường chơi tứ sắc và bài tới, ở miền Bắc hay chơi tổ tôm (hơi giống bài tới) và tam cúc (hơi giống tứ sắc).

Riêng ở một số đô thị cũ như Huế hay Hội An, bài giấy thì có tứ sắc và bài tới, bài thẻ thì có thêm xăm hường và mạt chược. Như người ta hay nói: đi xoè tức là đi đánh tứ sắc, đi xoa tức là đi đánh mạt chược. Tiếc là khi nhỏ tôi không được dạy bài tới và mạt chược, chỉ còn biết hai món ăn chơi chụp ảnh dưới đây.

Chụp lại ảnh bộ xăm hường của nhà post lên đây để bà con biết mặt mũi trò chơi thế nào (cùng với ảnh xáo bộ bài tứ sắc). Xăm hường gồm có: một thẻ trạng anh (trạng nguyên – 32 điểm), hai trạng em (bảng nhãn & thám hoa – mỗi thẻ 16 điểm), 4 thẻ hội nguyên (8 điểm), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm), và các thẻ con tương đương 1 điểm (tú tài), 2 điểm (cử nhân).

1 mặt tứ trên bộ xúc xắc ăn được quân một điểm, 2 mặt tứ ăn được quân hai điểm, 3 mặt tứ ăn được thẻ hội nguyên, 4 mặt tứ ăn thẻ trạng nguyên, 5 mặt tứ thì ăn cả 3 thẻ trạng, 6 mặt tứ (lục phú hường) thì ăn được tất cả các thẻ (kể cả thẻ đã thuộc về người khác). Đây được xem là tột đỉnh may mắn! Ngoài ra còn có các luật tứ tự (4 mặt giống nhau), ngũ tử (5 mặt giống nhau), lục phú (6 mặt giống nhau), phân song (2 nhóm, mỗi nhóm có 3 mặt giống nhau), và suốt (đủ 6 mặt 1, 2 , 3, 4, 5, 6) và nhiều luật lẻ khác…

Thức thâu đêm suốt sáng, tiếng của 6 hột xí ngầu leng keng leng keng trong lòng chiếc tô sứ, những song phân, nhất hường, suốt, giật trạng… những bất ngờ, hồi hộp như tiên đoán vận may trong năm mới…