bắc hành – 2016, phần 29

ừ tp. Cao Bằng qua đèo Mã Phục (một con đèo xinh xắn thuộc huyện Trà Lĩnh), qua huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh, từ đây 25 km nữa là đến thác Bản Giốc. Một buổi sáng nắng ấm đẹp trời như tôn vinh thêm quan cảnh sơn thuỷ hữu tình hai bên đường. Cao Bằng đẹp một cách diễm lệ và thanh bình, tuy không sắc sảo đến mức cực đoan như Đồng Văn.

Dừng chân đỉnh đèo, hai cái bánh chưng chiên be bé của người Tày thay cho bữa sáng. Thác Bản Giốc quả thực như một viên ngọc quý lớn trên cái vương miện du lịch miền Đông Bắc. Thực trạng về phân định biên giới Việt – Trung ở thác Bản Giốc, theo những xác nhận tại địa phương (không giống như một số thông tin kém chính xác trên internet):

Thác gồm hai cụm, một to một nhỏ, cụm nhỏ (rộng nhưng thấp hơn) thuộc về Việt Nam, cụm to (thác chính) thì một nửa thuộc về Việt Nam, một nửa thuộc về Trung Quốc. Hiệp định phân chia biên giới mới nhất xác nhận cột mốc 53 (cũ) nằm ở chính giữa thác lớn, lấy dòng sông Quy Xuân làm ranh giới, chia hai dòng sông tức đồng nghĩa là chia đôi thác lớn.

Nhưng cũng theo những thông tin của nhiều người dân địa phương, ngày xa xưa, cột mốc 53 nằm trên đỉnh núi ngay sát bờ bắc (phía TQ) của dòng sông, theo như xác lập bởi Công ước Pháp – Thanh 1887 thì thác Bản Giốc nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Chính người Trung Quốc đã dời cột mốc xuống quá chân núi để chiếm một nửa dòng thác lớn!