Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 2

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt.
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết!

hía bên kia cửa sông, núi Lớn và núi Nhỏ Vũng Tàu hiện bóng rõ nét trên nền trời. Nấu một chút nước sôi, pha vào tô yến mạch (oat), thêm một quả trứng và ít sữa Ông Thọ là đã có một tô “cháo đặc” ngon lành cho bữa sáng. Với những người đi dã ngoại, yến mạch có lẽ là một lựa chọn rất hợp lý, chế biến nhanh, dễ ăn, và cũng chứa khá nhiều calories. Từ đây trở ra đã là biển, cái cảm giác mênh mông chông chênh rất lạ, hứng khởi và kích thích. Xếp lều, gói ghém đồ đạc vào thuyền và chèo đi. Ra đến quá Tân Thành, Gò Công Đông, rác rến bắt đầu giảm dần.

Lại một ngày nắng trong xanh, thời tiết rất tốt vào buổi sáng, biển êm chỉ gợn một chút sóng lăn tăn. Cửa sông, bãi bồi, những rặng đước rừng ngập mặn trải dài ngút tầm mắt, rải rác đây đó là những lá cờ đỏ đánh dấu vùng “biên giới”. Tôi không có ý kiến gì với màu cờ, nhưng thật sự là ác cảm với cách sử dụng chúng tràn lan như thế. Bạn nghĩ sao về một ông chồng trong nhà, suốt ngày đi ra đi vào chỉ tìm cách chứng tỏ: ta là chủ nhân của ngôi nhà này, còn lại không chịu làm gì khác, không làm ăn kiếm tiền nuôi vợ con, xây dựng mở mang nhà cửa!?

Cái hứng khởi đầu ngày nhanh chóng giảm dần qua từng cây số, cảm giác mệt mỏi bắt đầu xuất hiện chỉ sau 2, 3 tiếng chèo thuyền. Trước khi khởi đầu hành trình, tôi cũng đã dự tính rằng phải mất 2, 3 ngày hay hơn thì cơ thể mới bắt đầu quen với cái cường độ làm việc nặng nhọc 10, 12 tiếng chèo thuyền mỗi ngày, mới bắt đầu trơ ra với các chứng đau nhức. Nhưng cũng không ngờ là nó đến nhanh đến thế, nắng trưa bắt đầu hắt xuống, mệt mỏi đến không chịu đựng nổi. Nhưng cũng ráng chèo qua hết cửa Tiểu, cửa đầu tiên trong hành trình vượt 9 cửa sông Mêkong.

Vượt cửa Tiểu không có gì khó khăn, biển lặng, sóng êm, từ bên này sang bên kia chỉ chừng hơn 7 km. Bãi bồi cửa sông trãi dài nhiều cây số, bắt đầu xuất hiện những rặng dương xen lẫn với rừng đước, những nơi lý tưởng để có thể cắm trại, nấu cơm, thưởng ngoạn phong cảnh. Suy nghĩ và quyết định rất nhanh, dừng lại để củng cố lại mọi thứ: sức khoẻ, ăn uống, sinh hoạt, etc… Hành trình đến ngày thứ 2 dừng ở đây, chỉ sau khoảng hơn 4h, 16 km. Tôi hạ trại, nấu và ăn một bữa cơm đầy đủ, rồi ngủ một giấc ngon lành, bù lại cho phần mất ngủ tối hôm qua.

Cả ngày hôm đó, tôi kiểm tra, tổng duyệt lại mọi trang thiết bị. Lều được xếp lại, dựng lên 2, 3 lần cho nó quen động tác, làm sao cho thật gọn ghẽ, để những ngày sau, đến cuối ngày, tôi có thể setup một căn lều thật nhanh, trước khi trời sập tối và đàn muỗi khát máu kia bắt đầu làm việc. Những chiếc Beckson hatches (nắp nhựa khoang hàng) có đường kính rất bé, lọt lòng chỉ hơn 18 cm, nên từng món đồ được lôi ra, xếp gọn, rồi chất lại vào thuyền, cái nào trước, cái nào sau, cái nào hay sử dụng, cái nào ít dùng tới, tất cả đều phải tính toán cho hợp lý.

Hành trình còn rất dài phía trước, dự tính trong trường hợp lý tưởng là 7 hoặc 8 ngày, nhưng tôi mang theo đến 10 ngày đồ ăn, và 5 ngày nước uống (đã dự tính điểm tiếp thêm nước & lương thực dọc đường). Nên không cần phải vội vàng, quan trọng là mọi tính toán, động tác đều phải chính xác, hiệu quả… Phần còn lại trong ngày, một bãi biển hoang vắng, rộng mênh mông không một bóng người, không ai làm phiền mình, cảm giác thanh bình đến lạ. Nằm nghe sóng vỗ rì rào, qua cửa lều, nhìn vầng trăng sắp tròn đang lên, đất trời này là của riêng chỉ mình ta!

Thuỷ triều xuống, bãi bồi mở rộng ra cả cây số. Những người ngư dân tranh thủ nước cạn đi đặt đăng, đó rồi trở về ăn cơm trên những chiếc thuyền của họ, ánh lửa chài lấp lánh trên mặt nước tim tím buổi chiều hôm. Bổng dưng có suy nghĩ về những “thuyền nhân”, những con người sống cả đời trên thuyền, chưa hề có một cơ nghiệp nào trên đất liền. Lẽ đương nhiên là họ không có lựa chọn, nhưng trong một suy nghĩ khác, từ mấy trăm năm nay, họ vẫn sống như thế, có khi nào như một cách thích nghi với những biến động vô thường của cuộc sống này!?

Hình như đâu đó có giọng ai đang ngâm thơ, thơ rằng: Khách có kẻ: Giương buồm giong gió chơi vơi, Lướt bể chơi trăng mải miết. Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương, Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt. Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt. Nơi có người đi, Đâu mà chẳng biết. Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều, Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết… Thế rồi tự mình đọc tiếp cho trọn ý bài phú nổi tiếng năm nào: Rồi vừa đi vừa ca rằng: Sông Đằng một dải dài ghê, Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông. Những phường bất nghĩa tiêu vong… 😀

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 1

Khách có kẻ: giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.

hức dậy lúc 4h sáng, ăn một gói xôi gà, một ổ bánh mì mua từ tối hôm trước, kiểm tra lại mọi thứ, rồi đẩy chiếc xuồng ra sông. Mực nước triều đang xuống ở mức thấp nhất, bình minh sẽ đến không lâu nữa, bắt đầu chèo chậm rãi, thong thả. Tâm trạng thản nhiên vì cũng đã làm khá nhiều chuyến chèo kayak đi xa, không còn nôn nao, hồi hộp như lần đầu tiên nữa. Rạng đông ngày mới đang lên, ánh dương hồng nhìn xao xuyến lạ, cảnh vật trong veo, báo hiệu một buổi sáng đẹp trời, những chiếc tàu đang neo ngủ, cảnh vật êm đềm tịnh không một tiếng động.

Chèo qua khu cảng Hiệp Phước, đây rồi khúc sông hình chữ S, bổng xuất hiện một vùng sóng đứng (standing wave). Sóng đứng thường xuất hiện ở những nơi có dòng chảy phức tạp, nhiều luồng nước giao nhau, con sóng ít di động, có vẻ như đứng yên một chổ, dựng lên, rồi lại biến mất, cứ như thế. Sóng đứng thường gây rất nhiều khó khăn cho việc chèo thuyền, nhưng cũng may hôm nay chỉ là những con sóng nhỏ, tầm 4, 5 tấc. Dừng lại một chút nói chuyện với những thuỷ thủ một tàu hàng trên sông, rồi chèo tiếp qua bến đò Kinh Lộ.

Qua ngã ba sông Soài Rạp – Vàm Cỏ, kinh nghiệm từ những chuyến đi trước cho biết đây là nơi nhiều sóng to nguy hiểm. Đáng lo hơn, mây đen đang đùn lại một đống thật to trên bầu trời. Không chút mảy may lo ngại, tôi cứ nhắm thẳng hướng đã định mà chèo, chừng 15 phút thì một cơn dông dữ dội ập đến. Gió mạnh dần lên, những con sóng bạc đầu xuất hiện, nâng dần độ cao, 1m rồi 1m5. Từ phía sau lưng, một chiếc xà lan lớn trờ đến, những thuỷ thủ đổ ra nhìn tôi với con mắt ái ngại, nhưng khi không thấy có yêu cầu giúp đỡ gì, họ bèn đi tiếp.

Tắc, tắc, tiếng vỗ vào đáy thuyền khi nó trườn qua sóng. Tôi rất tin vào chiếc Serene – 1 của mình, nó có khả năng đi trong môi trường biến động phức tạp rất tốt. Cứ vững tay chèo tiến lên phía trước, trong lòng không một chút lo sợ, ái ngại. Nhưng dè chừng khả năng mình “quá tự tin”, tôi đưa mắt nhìn về bên kia ngã ba sông, chỗ một chiếc phao tiêu đỏ. Điều chỉnh thuyền sang phải một chút, hướng về phía chiếc phao tiêu. Ngay giữa ngã ba sông, một khối sắt khổng lồ xám xịt, han rỉ, cao bằng toà nhà 5, 6 tầng, rộng cả trăm mét nằm sừng sững ở đó.

Không biết người ta đặt đống sắt vụn ở đó để làm gì. Những cũng không có thời gian, dù chỉ là 1 giây, để chụp ảnh hay quay film ghi lại hình ảnh đó, mọi nỗ lực dồn vào việc chèo chống. Và cũng cố chèo ra xa đống sắt giữa sông ấy một chút. Điều khó chịu đối với những con thuyền nhỏ là những “sóng phản xạ”, khi con sóng đập vào một vật cản lớn, dội ngược trở ra, giao với luồng sóng đến, tạo nên một sự hỗn loạn, lắc lư rất khó chịu. Cái spray – skirt tự chế đã bắt đầu rò rỉ nước, và tôi cũng biết rằng, qua cơn dông này, có khi nước sẽ vào đến hơn 1/3 thuyền.

Cuối cùng thì 4km ngã ba sông Vàm Cỏ ấy cũng đã vượt qua được, sau khoảng 1h 30′ chèo chống, nghĩa là trong cơn dông đó, tôi đi được rất chậm, chỉ khoảng 2.66 km/h. Một tay bám vào chiếc phao tiêu đỏ, tay kia tát nước ra khỏi thuyền, tôi tự nhắc mình rằng đừng bao giờ quá tự tin vào khả năng xoay xở của mình, con đường còn dài và còn nhiều bất trắc phía trước. Trời mưa tầm tã suốt chặng đường còn lại xuôi dòng sông Soài Rạp ra quá Vàm Láng. 2 hoặc 3 lần tôi suýt ngủ gục ngay trong lúc đang chèo, một biểu hiện xuống sức đáng lo ngại của cơ thể.

Có lẽ vì đã mất khá nhiều năng lượng chèo qua cơn dông ban chiều, và vì đã bắt đầu ngấm lạnh. Vội dừng lại, vốc nước lên rửa mặt, châm một điếu thuốc, và nhai vài lát bánh mì tiếp thêm năng lượng. Từ Vàm Láng trở ra là một cảnh tượng dơ bẩn đến kinh tởm, những rừng đước ngập mặn với cơ man nào là rác rến, rác thải ra từ cái thành phố đông dân nhất là Sài Gòn, rác tràn ngập mọi gốc cây, rác ken dày chất cao nhiều mét, rác ngập ngụa khắp nơi, rác và chỉ có rác. Khó khăn lắm mới tìm được một chỗ trên bờ đê biển để dựng trại, lúc này trời đã sập tối hẳn.

Nấu vội nồi cơm và chui vào lều ngồi ăn. Muỗi dày đặc, chỉ cần vung tay ra là có thể vơ được một nắm, muỗi là điều tôi quên tính đến trong hành trình này. Đêm đầu tiên của chuyến đi, mất ngủ nghiêm trọng vì muỗi cắn, vì ướt át, ngứa ngáy, vì chưa quen với việc sắp xếp mọi chuyện cho hợp lý, và cũng vì cơ thể chưa kịp thích nghi với sự lao lực cả chục tiếng một ngày thế này. 5h sáng thức dậy, tôi ngồi ngây ra cả chục phút ngắm ánh bình minh rạng rỡ đang đến, đã bao nhiêu năm rồi, tôi mới được chứng kiến một quan cảnh đến huyền diệu như thế này!?