bắc hành – 2017, phần 21, kết

àng vào Nam, thời tiết càng lúc càng nóng bức, mà dải bờ biển từ Cam Ranh vào đến Vũng Tàu đã thăm thú tương đối kỹ. Thế nên quyết định “đổi gió” một chút cho hành trình, thay vì toàn là những cảnh quan vùng biển, cũng nên trải qua một chút không khí miền núi. Từ Cam Ranh, rẽ qua quốc lộ 27B đi Đà Lạt, thăm lại quãng đèo Ngoạn Mục mà đã từ lâu không đi lại. Đèo Ngoạn Mục cái tên được dịch từ tiếng Pháp là Bellevue (nice view) hay còn được gọi là đèo Sông Pha, lấy theo tên con sông “Krong Fa”.

Dọc tuyến đường này, còn thấy nhiều vết tích của tuyến đường xe lửa răng cưa mà người Pháp xây dựng từ Tháp Chàm đi Đà Lạt (nay đã hoang phế). Đoạn đường này nổi tiếng nguy hiểm với các loại xe khách, mặc dù núi đồi không phải là quá hiểm trở, độ dốc cũng không phải là quá lớn, các khúc cua cũng không phải là quá khúc khuỷu so với các con đèo khác. Nhưng đơn giản là vì các con dốc quá dài, hơn 150 km toàn lên (xuống) dốc liên tục, dể cháy thắng xe nếu tài xế không lưu ý!

Từ trên đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, cảnh quan thật đúng là… ngoạn mục. Đứng ở đây có được một cảm giác, hình dung rất rõ về cao nguyên Lâm Viên nổi bật lên hẳn trên nền cảnh quan xung quanh như thế nào. Hành trình tiếp tục đi về Đà Lạt, thành phố ngày càng hiện đại và đông đúc, trước khi đổ đèo Prenn, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối, theo quốc lộ 20 qua Phương Lâm, Tân Phú, Định Quán, La Ngà, Thống Nhất, Dầu Giây, Trảng Bom, Biên Hoà… về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình!

44 ngày đi dọc theo bờ biển Việt Nam, với quá nhiều những trải nghiệm, những phát hiện thú vị. Như thuyền máy có xiếm ở Quất Lâm, Nam Định, ghe buồm “ba vách” cổ truyền ở Quảng Yên, Quảng Ninh, hay những chiếc ghe composite nhỏ trên đảo Cát Bà. Từ những cảnh quan thoáng đạt của vùng biển khu bảo tồn Núi Chúa, Phan Thiết, hay hoàng hôn cửa biển Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đến không gian đầy kỷ niệm của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, hay chèo kayak trên vịnh Hạ Long…

bắc hành – 2017, phần 20

ại tiếp tục bị quyến rũ bởi 5000 sắc thái của màu xanh, nên tiếp tục đi dọc bờ biển, từ ghềnh Đá Đĩa, dọc theo sườn Đông của đầm Ô Loan, về phía thành phố Tuy Hoà. Nơi đây vùng cửa sông Đà Rằng là đồng bằng ven biển rộng nhất miền Trung, những thửa ruộng rộng thẳng cánh cò bay đã ngả sang mầu vàng, chờ ngày thu hoạch, nhìn rất thích mắt. Bằng giờ này ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì lúa mới chỉ vừa gieo sạ xong. Tiếp tục đi dọc bờ biển về phía cửa Đà Nông (sông Bàn Thạch).

Từ đây là đã thấy núi Đá Bia sừng sững, tương truyền vua Lê Thánh Tông đã đến và xác định ranh giới nước Đại Việt tại đây năm 1471, gọi là nó Đá Bia, Linga hay Cùi Bắp tuỳ vào cách nhìn của những dân tộc khác nhau trong vùng 😀. Đi thêm một quãng không xa là bãi Môn và mũi Điện, điểm được xem là cực Đông của phần lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam. Nước biển xanh một màu ngọc huyền hoặc, gió mùa đông bắc vẫn còn vương vất chút đỉnh gây nên những đợt sóng bạc đầu đẹp mắt.

Phía nam của mũi Điện là vũng Rô, một vịnh kín gió, nơi neo đậu nhiều tàu cá, một vùng nuôi trồng hải sản và cả một thương cảng nhỏ. Cách đây chừng 5 năm, nơi đây đã xây nên một đài tưởng niệm đoàn tàu không số (phần tượng đài và phù điêu trang trí cực kỳ xấu xí, chẳng đâu vào đâu). Đi dọc bờ vũng Rô, ngắm nhìn những con tàu cá nhỏ, lại thêm những mảng màu xanh, với muôn ngàn sắc thái khác nhau, thay đổi tuỳ thuộc vào góc nhìn và điều kiện ánh sáng khác nhau trong ngày!

Tất cả những sắc màu xanh trong các ảnh này đều rất tự nhiên, vì tôi vốn chẳng phải là 1 tay chụp chuyên nghiệp gì cho lắm, và ảnh cũng không hề có chỉnh sửa gì nhiều khác ngoài 1 số tính năng tự động của phần mềm Lightroom. Từ vũng Rô đi tiếp theo đèo Cả, Đại Lãnh, Vạn Giã, dọc theo vịnh Vân Phong về đến thị xã Ninh Hoà. Từ Ninh Hoà, men theo con đường ven biển chạy dọc bờ vịnh Nha Phu đi về thành phố Nha Trang, rồi lại là những dải bờ biển tuyệt đẹp của vịnh Cam Ranh.

Vẫn còn muốn tiếp tục chiêm ngưỡng thêm hàng ngàn sắc thái đa dạng khác nhau của tự nhiên, của một dải bờ biển đầy màu sắc Nam Trung bộ, nhưng hành trình đã kéo dài hơn 40 ngày, đã đến lúc phải… trở về nhà và tiếp tục nhiều công việc đang trì hoãn. Những chuyến di dài không chỉ mở mang tầm mắt, quan sát được những cảnh quan, sự việc, con người khác, mới lạ. Chúng còn “đặt nền móng”, tạo “tầm nhìn”, “tiền đề” cho… những hành trình còn dài hơn trong tương lai 😀!

bắc hành – 2017, phần 4

ừ vịnh Vĩnh Hy tiếp tục đi về phía Bắc chẳng bao lâu là đã thấy những dãy đảo ven bờ của vịnh Cam Ranh, bắt đầu bằng đảo Bình Hưng, rồi đảo Bình Ba. Lúc này vẫn chưa qua hết vườn quốc gia Núi Chúa, cảnh quan vẫn một màu xanh biếc, thêm vào cái nắng hanh vàng của một ngày quang trời tuyệt đẹp. Những đợt sóng lớn xô bờ tung bọt trắng xoá. Riêng năm nay, gió mùa Đông Bắc không mạnh như các năm trước, sóng biển tuy hơn lớn một chút, tầm 1 ~ 1.5m, nhưng vẫn thanh bình đến lạ!

Dọc suốt bờ biển miền Trung, có rất nhiều những địa điểm cùng mang những cái tên giống nhau như: Nước Ngọt, Nước Mặn, Đá Bạc, .v.v… những cái tên mang đậm tâm thức di dân và hàng hải! Qua hết vườn quốc gia Núi Chúa, con lộ 702 nhập vào với QL 1, từ đây tôi chạy nhanh băng qua vịnh Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu, vịnh Vân Phong… bỏ qua Ninh Hoà vì đoạn này đã thăm thú kỹ trong hành trình xuyên Việt năm ngoái. Tạm dừng nghĩ đêm ở làng chài Vạn Giã gần bờ bắc vịnh Vân Phong.

Gọi là làng chài chứ thực ra giờ đây, Vạn Giã đã là một thị trấn hiện đại, nhà cửa san sát, giá cả sinh hoạt có phần đắt đỏ, một thị trấn phồn vinh nhờ vào nghề nuôi tôm. Và theo như quan sát, thủ đô của giới buôn gỗ lậu Nam Trung bộ có lẽ đã chuyển về Vạn Giã (chứ không phải ở miệt Cam Ranh như trước). Thời tiết, khác hẳn cái nắng ấm dễ chịu của mấy ngày hôm trước, giờ đây đã chuyển sang lạnh và mưa, càng đi về phía Bắc, sự hiện diện của gió mùa Đông Bắc càng lúc càng thấy rõ!

Mục tiêu của hành trình ngày hôm sau là Vũng Rô và mũi Điện, nhưng quá Đại Lãnh, trời đổ mưa tầm tã, chiếc xế nổ của tôi liên tục tắt máy do cái nắp chụp bugi hở và thấm nước. Đành phải bỏ qua hai điểm đến quan trọng đã dự tính mà chạy tiếp đến thành phố Tuy Hoà, nơi có thể sửa được xe. Xác định đây không phải là vấn đề lớn, khắc phục dễ dàng và có thể yên tâm tiếp tục hành trình còn dài phía trước. Trời mỗi lúc mỗi mưa nặng hạt, và rét buốt đến cắt da, cảm giác rất khó chịu!

Một đợt rét vừa tràn về đúng như dự báo thời tiết vài ngày trước đã cảnh báo! Cái lạnh ướt khi chưa quen với nó gây cảm giác buốt và khiến cơ thể mất năng lượng nhanh chóng. Thời tiết này mà đi dọc ven biển thì chẳng có gì hay ho cho lắm, suy đi tính lại, quyết định tăng ga chạy nhanh qua hết đoạn Trung Trung bộ này, một phần cũng vì đoạn từ Quy Nhơn đến Quảng Bình đã biết khá rõ, một phần cũng dự tính dành lại một vài vị trí còn lại cho chuyến hành trình ngược từ Bắc vào Nam!

bắc hành – 2017, phần 3

ạm biệt thị trấn Liên Hương, làng quê – phố thị yên bình tuyệt đẹp nằm bên bờ con sông Đại Hoà, hành trình ven biển tiếp tục đi về phía Bắc theo QL 1A, qua nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (lại thêm 1 công trình nữa mang dấu ấn Trung Quốc). Vừa qua hết ranh giới của tỉnh Bình Thuận, vào đến Ninh Thuận là đến Cà Ná, một vùng đầm lớn ven biển, con đường làm du lịch vừa mới xây xong rộng đến 4 làng xe băng ngang giữa vịnh Cà Ná, xung quanh là những đầm nuôi tôm rộng lớn.

Từ đây, con đường ven biển tiếp tục vòng qua mũi Dinh, đây thực sự là một cảnh quan hùng vĩ khoáng đạt lôi cuốn tầm mắt. Con đường đi qua những động các lớn bao quanh chân các núi đá, hai bên đường phải xây những dãy tường cao chắn cát, nếu không thì chỉ sau một mùa gió, cát sẽ lấp hết những mặt đường nhựa này. Mũi Dinh, nhìn từ xa, với phần “chân” cát trắng xoá như hoà lẫn vào mặt biển và đường chân trời, chỉ còn thấy một chóp núi xanh nổi lên bềnh bồng giữa khoảng không bao la.

Qua mũi Dinh, không bao xa nữa là đến Phan Rang – Tháp Chàm. Một đô thị nhỏ, thanh bình nữa, nằm giữa hai con sông Dinh (là một con sông cùng tên, nhưng khác sông Dinh ở Ninh Thuận), và đầm Nại (bãi biển Ninh Chữ). Đấy có phải là mẫu hình chung cho khá nhiều đô thị miền Trung, luôn được xây dựng giữa hai vùng nước: đầm, sông hay phá!? Tạm dừng ăn trưa ở Phan Rang – Tháp Chàm, rồi lại tiếp tục khởi hành, ngay sát phía Đông – Bắc của Phan Rang – Tháp Chàm đã là vườn quốc gia Núi Chúa.

Từ đây trở ra đến vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong theo tôi là cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam, con đường 702 đi qua những khung cảnh hết sức ngoạn mục, một bên là biển xanh biếc với nhiều ghềnh đá hiểm trở xen kẽ với những bãi cát trắng tinh, một bên là khu bảo tồn quốc gia ít nhiều vẫn còn nguyên sinh xanh tốt. Hành trình đi qua khu vực này trở nên rất chậm thì tôi gần như phải dừng liên tục để chụp hình và đánh dấu trên bản đồ những bãi cát có thể neo thuyền, cắm trại.

Tôi không biết điều gì làm bạn vui thú nhất, với tôi, đó là neo thuyền, cắm trại bên một vịnh biển hoang vắng, không thể đến được bằng phương tiện gì khác ngoài thuyền… Như thế bạn được an toàn khỏi “văn minh hiện đại”, ít nhất là trong một khoảng thời gian… 😀 Vịnh Vĩnh Hy, một lõm nhỏ ăn sâu vào đất liền, tuy không quá lớn nhưng lại là một nơi lý tưởng để tránh gió bão: lối vào hẹp, hầu như 4 phía đều là những sườn núi cao, từ trên nhìn xuống y hệt như một lòng chảo tròn trĩnh, xinh xắn.

bắc hành – 2016, phần 50

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ.

ết thúc loạt 50 bài viết, cũng là 50 ngày đêm xuôi ngược của hành trình núi cao ta trông, đường rộng ta đi. Ban ngày thì đi đây đó ghi hình ảnh, ban đêm về ghi chép, rất nhiều tư liệu của riêng tôi về các vùng đất, con người khác nhau. Thực ra, những gì thấy trên blog này… chỉ là phần nổi của tảng băng, không đến 1/10 của những gì tôi ghi chép hàng ngày.

Khoảng 8000 km hành trình, đi rất chậm, trung bình mỗi ngày chỉ 180 km, đi chậm như thế thì mới có thời gian để ngó nghiêng, quan sát được. Cũng như bao hành trình khác, nhiều lúc mệt mỏi, có lúc chán nản, đôi khi bực mình với những chuyện xảy ra dọc đường… Chặng đường ta đã đi qua, hiếm hoi mới gặp đóa hoa thắm hồng, ngẩng đầu lên hỏi mênh mông…

Rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã trải qua, những “cổng trời” ở các vùng miền núi phía Bắc, những cung đường đèo chênh vênh, vắt vẻo, những địa danh lịch sử chỉ mới đọc qua sách báo, và những con người, như là “hoa thơm quả ngọt” của các vùng đất ấy. Những ngày rét đến gần 0 ℃, những chiều mưa tầm tã, những sớm mù sương phủ kín trời…

Đến hôm nay đường xuôi về biển, những khung cảnh tuyệt đẹp dọc hàng ngàn km bờ biển, cách duy nhất để thực sự trải nghiệm chúng một cách kỹ càng, “trên từng cây số” là phải đi bằng đường thuỷ. Chào năm mới 2016, nên nhớ 2016 là năm nhuận, thế có nghĩa là, tôi sẽ có thêm một ngày để vui sống, để đi chèo thuyền, để đùa giỡn cùng sóng nước! 😀