bắc hành – 2016, phần 2

hững rẫy cà phê bạt ngàn, mùa này đang đồng loạt ra hoa. Giờ mới biết hoa cà phê có một mùi gần giống dạ lý hương, nhưng nhẹ và dịu hơn, cứ thoang thoảng trên khắp các nẻo đường. Cái mùi hương ấy còn quyến rũ hơn nữa trong màn sương đêm, khi phấn hoa bị “hãm” lại trong đám bụi hơi nước, một mùi hương sảng khoái, đậm đà nhưng thầm lặng!

Dừng chân trên một đỉnh đèo giữa cao nguyên hoang vắng, bốn bề bóng tối, chỉ có bầu trời thẫm đen với chi chít muôn nghìn ánh sao. Đã bao rồi ta không được tận hưởng một bầu trời đầy sao như thế này!? Phải cách xa nơi thị thành, không có chút “ô nhiễm bụi”, và không chút “ô nhiễm ánh sáng” nào, thì mới có thể quan sát những vì sao như thế này được!

Nghĩ rồi cười một mình, trong thâm tâm, tôi vẫn cho rằng mỗi cá thể con người đã là “self sustained, self sufficient” một mức độ nào đó, chúng ta sống bằng những “raison d’être” của chính mình, không nên tự “đổ xăng” bằng những “nhiên liệu” của ghen ghét, của lưu manh vặt vãnh. Nói đơn giản, cái “cỗ máy” là tôi đây đổ những loại “xăng” đó không chạy được!

Không phải lúc nào hành trình cũng gặp toàn những chuyện thú vị. Một tối bổng phát hiện trong tấm drap trải giường khách sạn có vài con rệp! Suy luận logic đầu tiên: khách sạn chắc hẳn làm ăn khấm khá, có khách thường xuyên và đều đặn, nên mấy con rệp này mới béo tốt đến thế. Suy luận logic thứ hai: một cái giường như thế thì không thể ngủ được! 😬



bắc hành – 2016, phần 1

李白-春思
燕草如碧絲
秦桑低綠枝

ảnh sắc xuân về trên khắp trời Nam, đất Bắc, chính thị giống như mô tả bằng hai câu thơ trong bài Xuân tứ của Lý Bạch: Yên thảo như bích ty, Tần tang đê lục chi dẫn ở trên. Này là lúc để ung dung lên đường vãn cảnh xuân các xứ. Kế hoạch du xuân năm nay thì đã lên từ… sau Tết năm ngoái, gần một năm trở về trước, nay thì cứ như thế, như thế… mà tiến hành.

Kế hoạch tổng thể là từ cửa khẩu Bờ Y, Ngọc Hồi, Kontum qua nước bạn Lào ở tỉnh Attapeu cực Nam, rồi đi dọc sông Mêkong lên phía Bắc: Champasak, Pakse, Savanaket, Vientiene, Vang Vieng, LuongPhrabang… đủ một hành trình xuyên từ Nam chí Bắc nước Lào, rồi trở lại Việt Nam vào khoảng Điện Biên, qua Hoà Bình, Mai Châu về lại phía Tây của Thanh Hoá.

Rồi từ đó đi dọc đường Trường Sơn về Nam, điểm lại những phần đã bỏ sót trong hành trình năm ngoái! Thực ra với một đất nước đa dạng và phong phú như Lào, hành trình dự kiến hơn 1 tháng kể cũng chỉ là cưỡi ngựa (sắt) xem hoa… kỹ càng hơn chắc còn phải trông đợi nhiều ở những chuyến đi khác! Nghe như đâu đây ai đang hát khúc Đoàn lữ nhạc! 😀

Hành trình dài như thế này, vài ngày đầu tiên rất là mệt mỏi, những ngày tiếp theo đó sẽ… quen dần đi, cơ thể dần thích nghi với cái màn tra tấn kinh khủng của cả chục giờ liền ôm ghi – đông xe máy. Các cột mốc cây số cứ nối tiếp nhau vùn vụt trôi qua, những nẻo đường cao nguyên đèo dốc liên tu bất tận, và những pha ôm cua lượn lờ rất ngọt của chiếc xế.



bắc hành – 2015, phần 14

Đường chiều mịt mùng, cát bay tỏa bước ngựa phi đường trường.
Đường về nước chập chùng xa, nhiều đồi núi cheo leo.

Người chinh phu về - Trường ca Hòn vọng phu - Lê Thương 

Chặng 14: Buôn Ma Thuột ❯ Đăk Mil ❯ Đức An ❯ Gia Nghĩa ❯ Kiến Đức ❯ Bù Đăng ❯ Đồng Xoài ❯ Thủ Dầu Một ❯ Sài Gòn

Sài gòn ⇔ Hà nội 2015
Sơn Tây 2015
Yên Bái 2015
Lào Cai 2015
Hà Giang 2015
Đồng Văn 2015
Mèo Vạc 2015

hặng cuối của hành trình, phong cảnh, con người càng lúc trông càng quen thuộc. Càng vào nam, thời tiết càng thêm nóng bức, cộng với cái gió bụi mù trời của những đoạn đường đang xây, nên không còn hứng thú nhởn nhơ chụp ảnh nhiều nữa, chỉ tập trung hoàn tất cho xong phần cuối của chuyến hành trình xuyên Việt kéo dài đúng 1 tháng, 30 ngày rong ruổi trên lưng ngựa (sắt) này. Post thêm ở đây một số hình ảnh vùng của Tây Bắc, những chặng chính của chuyến đi.



Hoàn tất Bắc hành tạp lục này, công – tơ – mét chiếc xe nhảy thêm hơn 6000 km: khoảng 1700 km từ SG đi HN theo QL1, tầm 2300 km lang thang ở các tỉnh phía Bắc, và chừng 2000 km ngược trở lại theo đường HCM. Trái với suy nghĩ ban đầu, thực sự những chuyến đi dài thế này cũng không có gì là khó khăn hay mệt mỏi (nhưng cũng nên có sự chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống dọc đường). Biết bao nhiêu chuyện Sở kiến hành trên những quãng đường đất Việt đã đi qua.



Nhìn lại những địa danh xe đã lăn bánh qua: Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Khau Phạ, Mù Cang Chải, Than Uyên, Ô Quý Hồ, Sa Pa, Y Tý, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng… và trên con đường HCM xuyên Việt: Vĩnh Lộc, Cẩm Thuỷ, Nghĩa Đàn, Tân Lập, Vũ Quang, Khe Gát, đèo Đá Đẽo, Phong Nha, Đăk Rông, đèo Pêke, A Roàng, đèo Lò Xo, Ngọc Linh… những chặng đường khó khăn, nhưng cũng là đẹp nhất Việt Nam!



bắc hành – 2015, phần 13

Anh sẽ ra đi về miền mênh mông,
Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng.

Trả lại em yêu - Phạm Duy - Thái Thanh 

Chặng 13: Khâm Đức ❯ đèo Lò Xo ❯ Đăk Glei ❯ Plei Cần (Ngọc Hồi) ❯ Đăk Tô ❯ Đăk Hà ❯ Kon Tum ❯ Plei Ku ❯ Chư Sê ❯ Ea H’Leo ❯ Ea Drang ❯ Buôn Hồ ❯ Buôn Ma Thuột

Sài gòn ⇔ Hà nội 2015
Sơn Tây 2015
Yên Bái 2015
Lào Cai 2015
Hà Giang 2015
Đồng Văn 2015
Mèo Vạc 2015

hía trước là con đường… hành trình tiếp tục theo đường Trường Sơn, từ Khâm Đức (Phước Sơn, QN), vượt đèo Lò Xo chạy kế bên khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là qua địa phận tỉnh Kontum. Con đèo dài và khá khó đi, dưới chân đèo, một chiếc 50 chỗ cháy trơ trụi còn đang bốc khói nghi ngút, các xe đi ngược chiều cũng toả ra một mùi bố thắng khét lẹt. Tuy nhiên, đã đi qua những cung đường Tây Bắc khó khăn hơn nhiều nên đèo Lò Xo cũng không phải là vấn đề gì quá lớn.



Từ đây là chấm dứt những cảnh quan xanh tươi, cao nguyên Trung phần dần hiện ra với trong tầm nhìn rộng lớn, bạt ngàn đồn điền cao su, cà phê, tiêu, chè… cùng với… vô vàn đồi hoang núi trọc, sông suối vàng một màu hoàng thổ. Trong đầu thoáng lên ý nghĩ, dù sao ở những “miền đất cũ”, dân chúng cũng còn biết tổ chức lo lắng cho tương lai lâu dài về sau hơn là ở những “miền đất mới”. Cảm thấy mất hứng, bèn tăng ga chạy tiếp cho hết những nẻo đường rộng lớn của cao nguyên.



Cả Tây Nguyên mùa này đang là mùa khô, gió và bụi bao trùm lên các tuyến đường, đoạn Plei Ku đi Buôn Mê Thuột rất xấu, đang sửa chữa dở dang. Nhưng cũng có những đoạn đường rất đẹp, mới xây, rộng rãi, phẳng lì, đi qua những rừng thông, cao su rợp bóng mát. Rất nhiều địa danh lịch sử bắt gặp trên đường đi nhưng không ghé vào thăm được, đành đánh dấu lại trên bản đồ điện tử, hẹn trong một chuyến đi khác. Rồi sẽ có một ngày ngược tuyến đường này, đi lại những gì đã bỏ sót!