dưới giàn hoa cũ

ại tiếp tục về giọng ca Thái Thanh. Phải nói thật cái gu “chất giọng” của tôi khá là hẹp… giọng nữ thì phải như Thái Thanh, Hà Thanh, giọng nam thì phải như Anh Ngọc, Tuấn Ngọc (tức là nam phải ra nam, nữ phải ra nữ, không có chỗ cho các loại Đàm, Đan, Lam… của thời bây giờ 😬).

Về mái nhà xưa – Thái Thanh 
Dưới giàn hoa cũ – Thái Thanh 

(Hình trên: bộ ba danh ca, từ phải sang: Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly). Tiếng hát Thái Thanh thường đi liền với nhạc Phạm Duy, nhưng bà cũng hát khá nhiều các tác phẩm của những nhạc sĩ khác. Từ khi nghe giọng ca Thái Thanh đến bây giờ, thú thật chưa thấy bài nào mà bà hát không hay (đó cũng có thể chỉ là “natural bias”).

Hai ca khúc nhẹ nhàng: Về mái nhà xưaNguyễn Văn ĐôngDưới giàn hoa cũ – Tuấn Khanh. Khi xưa, riêng thích hai bài này còn vì những lời ca phảng phất một phong vị rất chi Tự lực văn đoàn: về đây mây nước đêm thâu lạnh lùng, vườn dâu thưa lá ngại nỗi tương phùng…, hỏi tôi những chiều buồn mây tím xây thành, có thương hoa thắm mong chờ không anh…

nước mắt rơi

Một bìa album Phạm Duy, có thể thấy nguyên một bức tranh của Marc Chagall

hạc tình Phạm Duy ít khi chung chung, mông lung, càng không bao giờ trừu tượng như nhạc Trịnh. Nhưng mỗi khi tác giả chuyển sang một cái mood có vẻ hoang vắng, xa vời… ta biết là ông đang đi tới những khúc quanh trên con đường sáng tác của mình: Cành hoa trắng, Thu ca điệu ru đơn, Nước mắt rơi, Đường chiều lá rụng

Nước mắt rơi – Thái Thanh 

Những lúc ấy, “nhạc tình” của ông không còn là về một mối tình cụ thể nào nữa, có chăng chỉ là cái cớ để tác giả bộc lộ một tâm trạng mênh mang khi đứng giữa những “ngã ba đường”. Như khi nghe Cành hoa trắng, ta có thể hiểu đó là tâm trạng (và lý do?) lúc ông từ bỏ chiến khu để “dinh tê về thành”.

“Thiên đường”, “trần gian”, “tiên nữ”, “cành hoa trắng”… cũng dể biết nó ẩn dụ cho những điều gì). Bài Nước mắt rơi này sáng tác ở Sài gòn năm 1961, nó có vẻ nói về tình yêu, mà thực chẳng có liên quan gì tới yêu đương, nó như một đoạn chuyển, dường báo hiệu thực tế xã hội giai đoạn tiếp theo đó, một thực tế mà tác giả đã phản ứng bằng cách soạn Tục ca và Vỉa hè ca 😬

dạ khúc – mỹ ca

ở dĩ blog này post toàn nhạc vì… chẳng có mấy khi nghe nhạc. Cái “nghe nhạc” của tôi không phải là ngồi xuống mở loa lên nghe (nhạc ở trong đầu mình chứ không tại mấy cái đĩa). Tại một không gian, thời điểm, tại một cái mood nào đó, tưởng đến một giai điệu phù hợp tâm trạng (ví như các raga Ấn độ có loại chỉ nghe buổi sáng hay trưa, tối, hay một mùa nào đó trong năm).

Dạ khúc - Thái Thanh 
Dạ khúc - Trần Văn Trạch 

Vì bản tính “mau nhớ mau quên” nên cần một cái index để ghi chú thông tin về những bản nhạc đã nghe được ở đâu đó và đôi khi nhiều năm chẳng bao giờ mở loa lên nghe lại! Gần đây hay có cái mood “dạ khúc” – serenade – serenity (tạm đặt tên như thế).

Tân nhạc VN có khá nhiều dạ khúc nhưng hay nhất theo tôi là bài này của Nguyễn Mỹ Ca, trình bày ở đây qua hai giọng ca, một giọng “tuyệt kỹ” Thái Thanh và một giọng “thô mộc” rặt Nam bộ Trần Văn Trạch. Một giai điệu tuyệt đẹp: đàn ai lên cung oán, tang tình, gieo hờn, đàn ai ngân theo gió, xế xang, gieo buồn… Rất ít được biết về cuộc đời tác giả, ông hy sinh năm 46, sử chính thức vẫn nhắc đến xưởng quân khí mang tên Mỹ Ca của “nhạc sĩ yêu nước” (sic – 😬) Nguyễn Mỹ Ca.

thuyền viễn xứ – 1



ột bài khá “đơn giản” của nhạc sĩ Phạm Duy mà đã nhiều năm không tìm được đúng tâm trạng để hát. Càng “đơn giản” càng không thể bừa bãi được, phải kén chọn không gian, thời gian, tâm trạng chút. Và cũng tự biết rằng phải nhiều nhiều năm nữa mới có được tâm trạng để hát bài này, dĩ nhiên sẽ trong một khung cảnh hoàn toàn khác… Đây có lẽ là một bản thu âm live giọng ca Thái Thanh, nên nghe thật và gần gũi, một loại gần gũi… “trên trời”. Nguyên phổ thơ Huyền Chi:

Thuyền viễn xứ - Thái Thanh 
Thuyền viễn xứ - Quỳnh Giao 

Thuyền viễn xứ – Huyền Chi

Lên khơi sương khói một chiều,
Thùy dương rũ bóng tiêu điều ven sông.
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng,
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang.
Có thuyền viễn xứ Đà giang,
Một lần giạt bến qua ngàn lau thưa.
Hò ơi tiếng hát ngàn xưa,
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người.
Đường về cố lý xa xôi,
Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời hoang mang.
Sau mùa mưa gió phũ phàng,
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa.
Lệ nhòa như nước sông Đà,
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con.
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn,
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi.
Hai bờ sông cách biệt rồi,
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh.
Ngàn câu hát buổi quân hành,
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa.
Biết bao thương nhớ cho vừa,
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương.
Chiều nay trên bến muôn phương,
Có thuyền viễn xứ lên đường lại đi.

thái thanh

Một ngày đó tóc mây đã phai mầu,
Có chờ ta oán trách đâu, có vì duyên kiếp không lâu.
Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu!
Cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau.


ost ở đây làm tư liệu, những ca khúc cổ điển, bán cổ điển nhạc ngoại quốc lời Việt do giọng ca Thái Thanh trình bày. Đa số những ca từ này đều được đặt bởi Phạm Duy hay là Phạm Đình Chương, những người tiên phong trong việc “phổ cập” nhạc cổ điển, bán cổ điển ngoại quốc vào nền ca khúc Việt.

Ảnh trên: Thái Thanh và 2 người anh, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Đình Viêm, half – brother), những giọng hát vàng của ban hợp ca Thăng Long một thời. Một số bản thu âm chất lượng khá tệ (một ít được thu vào những năm 50 hay sớm hơn), nhưng không vì thế mà che lấp đi được “tiếng hát trên trời” Thái Thanh! Về ca từ, trong những lời ca khá “cổ điển” và “sáo” này, tôi luôn tìm thấy điều gì đó về cách sử dụng tiếng Việt!

Khúc nhạc muôn đời - Domino, Louis Ferrari 
Lòng người ly hương - La complainte des infidèles, Georges Van Parys 
Dạ khúc - Serenade, F. Schubert 
Dòng sông xanh – Le beau Danube bleu, J. Strauss 
Sóng nước biếc – Les flots du Danube, J. Ivanovici 
Những chiếc lá úa – Les feuilles mortes, Joseph Kosma 
Ave Maria – F. Schubert 
Khúc ca muôn thủa – Granada 
Chiều tà – Serenata, E. Toselli 
Mối tình xa xưa – Célèbre valse, J. Brahms 
Ánh mắt liêu trai – Reverie, R. Schumann 
Tango xanh – Le tango bleu, Tino Rossi 

Tiện thể post luôn ở đây một số bìa minh hoạ nhạc ngoại quốc do NS Phạm Duy đặt lời Việt:

văn phụng

Các anh về tưng bừng trước ngõ, lớp lớp đàn em hớn hở theo sau.
Mẹ già bịn rịn áo nâu, vui đàn con ở rừng sâu mới về…

ói về nhạc cảm, trước khi hiểu được phần nào âm hưởng dân ca Việt Nam trong nhạc Phạm Duy, Lê Thương, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh… một điều mà tôi phải qua 25, 30 tuổi mới cảm được phần nào, thì, nó giống như một đường vòng, con đường cảm nhận âm nhạc dễ dàng nhất là qua nét nhạc… Tây phương. Có một nhóm các nhạc sĩ trước 75 chuyên sáng tác thuần theo phong cách Tây phương, ít hoặc không sử dụng các nét dân ca VN: Văn Phụng, Cung Tiến, Vũ Thành

Tiếng dương cầm - Thái Thanh 
Bóng người đi - Thái Thanh 
Các anh đi - Thái Thanh 

Đa số các vị này đều là Công giáo, con đường âm nhạc của họ bắt đầu từ… nhạc nhà thờ, họ học nhạc lý vỡ lòng với các linh mục, và đa số đồng thời là những nhạc sĩ hòa âm tài năng. Nhạc của họ nghe rất dể nhận ra và dể nhập tâm… dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là nhạc của họ thuộc loại “easy – listening”. Nói cho đúng thì tôi đã thích những tác phẩm của ông: Tiếng dương cầm, Bóng người đi, Tôi đi giữa hoàng hôn, Ô mê ly… những circle of fifths dạng như: trao ai duyên ban đầu, dù muôn năm trọn kiếp không phai mầu, thương cho ai dãi dầu…, nhiều năm trước khi hiểu rằng Các anh đi mới là ca khúc mình thực sự yêu thích!

Một vài bìa nhạc Văn Phụng:

sến

iếp tục chương trình nhạc “sến” ở post trước, những loại nhạc mà khi nhỏ mỗi lần nghe đến tôi đều nở một nụ cười “mím chi”. Nhưng cũng ngay từ lúc ấy, tôi cũng biết rằng “sến” cũng có năm bảy đường, không phải “sến” nào cũng giống nhau, cùng một tác giả viết toàn nhạc “sến” cũng có nhiều bài “nghe được”. Nên những nhận định hoàn toàn mang tính cá nhân, không phân tích kỹ nhiều khi gây ra nhiều nhận định bao đồng, hàm hồ… mà nói rõ ràng thì mang tiếng khắt khe, thiên lệch…

Sang ngang – Thái Thanh 
Cho tôi được một lần – Lệ Thu 

Có hai bài mà người ta thường hay gọi là “sến” mà tôi rất thích. Một bài sầu não đến rợn người mà không ai có thể nghĩ là được viết ra bởi một cậu bé 15 tuổi, nhạc sĩ Đỗ Lễ: Nếu biết rằng tình là dây oan, nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan… thà dương gian đừng có chúng mình.

Một bài lại tràn đầy vui tươi yêu đời (nhạc sĩ Bảo Thu) mà lũ trẻ con chúng tôi bấy giờ thường rêu rao hát: Cho tôi được một lần, nhìn hoa giăng đầu ngõ. Một lần cài hoa đỏ lên tim. Một lần dìu em qua nhà mới… Riêng bài sau có không biết bao nhiều là lời nhạc chế tinh nghịch!

hoàng thi thơ

ếu ai đó để cho trí nhớ của mình quay lại những khoảnh khắc mong manh xa xưa sẽ không dấu được trên môi những nụ cười nhẹ như thời gian thoáng qua… những đứa bé chưa lớn ngày xưa nghêu ngao những lời hát: Thi ơi Thi, Thi biết không Thi, khi con tim yêu đương là sống với đau thương… hay Anh xin đưa em về, về quê hương yêu dấu, Anh xin đưa em về, về quê hương tuyệt trần… Những đứa bé đó đang hát nhạc của Hoàng Thi Thơ và dám cá là về sau, đa số sẽ bắt gặp lại chính mình với cảm giác ngượng ngùng khi nghe lại những bản nhạc ấy: phải chăng đó chính là chúng ta một thời như thế?

Phút đầu tiên – Thái Thanh 
Đường xưa lối cũ – Thái Thanh 

Nhạc của Hoàng Thi Thơ rất quen thuộc qua nhiều thế hệ, những bản Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu, Tà áo cưới rất phổ biến ở thế hệ cha mẹ tôi. Riêng cá nhân tôi thì chỉ thích một phần các tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, và biết rằng nhạc của ông, cũng như của nhiều tác giả khác, thuộc loại phải cần một không gian, một giọng ca phù hợp, một cảm nhận thực sự để không bao giờ phải thấy ngỡ ngàng, xa lạ với chính mình. Trong số những tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, tôi đặc biệt thích Phút đầu tiên, một bản nhạc có phần đi trước thời gian của nó…

Một vài bìa nhạc Hoàng Thi Thơ:

thất cầm

ột album rất dễ thương Thất cầm một thuở… một số tác phẩm của Thất cầm, nhóm những cây đại thụ trong làng guitar Việt Nam. Dĩ nhiên là thật khó để so sánh, nhưng nhiều khi cách chơi guitar không liền mạch, cách tạm ngừng hết câu rất VN, và cả những tiếng ngón tay rít trên dây đàn… những âm thanh đó gần gũi với tai nhạc của chúng ta hơn là âm thanh mượt mà đến hoàn hảo (không hề có lấy một tiếng rít dây) như của Francis Goya chẳng hạn.

Domino - Thất cầm 
Bài ca hy vọng - Thất cầm 
Quê em miền trung du - Thất cầm 
Quê em miền trung du – Thái Thanh 

Không khó để tìm thấy trong album này những bài nhạc mình yêu thích: Domino, Mazuka, Andaloucia, Bài ca hy vọng… và nhất là Quê em miền trung du, bài ca của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nổi tiếng thời kháng chiến 9 năm: Quê em miền trung du, đồng suối lúa xanh rờn, giặc tràn lên thôn xóm… Anh về quê cũ, đi diệt thù giữ quê, giặc tan đón em về. Từ mờ sáng tinh mơ, anh đi trong bóng cờ… Riêng bài ca này, hãy nghe lại qua một giọng ca đã đi vào huyền thoại: Thái Thanh.

hẹn hò

Dù tình không nguôi đôi ta xin cho hứa vui về sau…
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau…

ôi đã đọc nhiều trên các diễn đàn âm nhạc bàn về ngũ cung và ngũ cung Việt Nam những ý đại loại như: đầu thế kỷ XX, nhạc sĩ Debussy đã đi tiên phong trong việc dùng âm giai ngũ cung, ở VN, có thể bắt gặp ngũ cung được dùng trong các giai điệu của Phạm Duy, Văn Cao… Chao ôi, sao người ta có thể thờ ơ nói về cái bản chất con người mình một cách quá Euro-centric như vậy! Đến bao giờ thì người ta mới nhìn rõ con người mình, quay trở về với cái nhạc cảm tự nhiên cha sinh mẹ đẻ!

Hẹn hò - Thái Thanh 
Hẹn hò - Tuấn Ngọc 
Hẹn hò - Khánh Ly 

Ấy là chưa kể rất nhiều người Việt nhìn dáng nhạc “bản xứ” của chúng ta với ánh mắt của kẻ “ngoại lai”, “vong bản”, với không ít mặc cảm tự ti và khinh thị lẫn lộn… Nếu tìm hiểu lịch sử âm nhạc, mọi người sẽ biết rằng con đường đến với ngũ cung của Claude Debussy bắt đầu và chịu ảnh hưởng lớn từ Hội chợ đấu xảo Paris, 1890, nơi ông được nghe dàn nhạc cung đình Huế và một số ban nhạc Javanese khác trình tấu.

Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hoà (gamme tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò Huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn các cung bực trong âm giai Âu Tây hay âm giai miền Bắc… Các điệu hát miền Trung, đặc biệt là điệu hò Huế, với những nét nhạc mơ hồ như nét nhạc Chàm hay nét nhạc Ấn Độ, đã hấp dẫn người nghe hơn là những điệu ca bình dị của miền Bắc… Tiếng hát thể hiện được sự thần bí của cõi lòng, vì vậy nên dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của miền Bắc. (Hồi ký Phạm Duy – tập 1 – chương 21)

Tôi đã biết nhiều người rất yêu, nếu không muốn nói là chết mê chết mệt vì bài Hẹn hò này của nhạc sĩ Phạm Duy, bài hát kể chuyện tình cách ngăn và trắc trở của Ngưu Lang và Chức Nữ: cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu, hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần, đúng vào thời điểm này trong năm – mùa mưa ngâu, rằm tháng bảy. Nhưng đơn thuần là thích thôi chứ không biết rõ tại sao, muốn biết tại sao, xin đọc phần trích trên đây từ hồi ký Phạm Duy!