moby dick, 2

Đọc cái loại văn này mà không bị “loạn óc” mới lạ, ấy thế mà cũng gọi là “dịch thuật, văn học” chứ phải! Éo hiểu đang là cái thời buổi suy đồi nào, toàn thứ cặn bã, rác rưởi mà vẫn dám “nhân danh” đủ thứ! Kiểu văn này chính xác là dịch tự động bằng máy tính, cứ để nguyên cái văn thiểu năng đó, đề một cái tên rồi xuất bản. Theo tôi, phải biết cách tẩy chay những thể loại “văn” như vầy, chứ một năm đọc 10 quyển thế này thì chắc chắn sẽ bị tâm thần, loạn óc mất! Cứ như thế này mà muốn giới thiệu cho đám trẻ rằng đây là đỉnh cao của văn học thế giới, là thành tựu nổi bật nhất của văn học lãng mạn Mỹ thì hơi bị quái lạ! Thậm chí, bất kỳ ai viết kiểu tiếng Việt như thế này, tôi cho rằng nên đi Biên Hòa sớm!

Những bản dịch cũ mấy chục năm trước, bây giờ ta biết chúng không hoàn hảo, vẫn còn khiếm khuyết, nhưng ít ra vẫn là một thứ tiếng Việt đọc được, câu cú suôn sẻ, trình bày ý tứ có cân nhắc trước sau, chất lượng có thể xem là tiếp cận văn học. Còn kiểu văn thế này mà cũng có người gật gù khen hay, viết bình luận cảm xúc này nọ như đúng rồi luôn! Toàn bán giấy lộn chứ xuất bản cái gì, nói thẳng ra, chỉ cần đọc mấy câu hành văn trúc trắc không nên thân là biết ngay cái thể loại vừa trí năng trì độn, vừa… tâm thần bất ổn, mà cái thời buổi gì kỳ cục, trì độn lại cũng chính là đồng nghĩa với bất ổn! Toàn những thứ cặn bã, rác rưởi, mà tôi đã dùng từ nào thì nên hiểu chính xác từ đó như thế!

tom, 10

Bữa đang ngồi làm việc thì khát nước, xuống nhà dưới bật đèn, rót ly nước! Nhìn thấy ku Tom đang ăn, mà ku Tom thấy mình bật đèn thì giật mình, chui tọt vào gầm tủ. Phải đến lôi ku ấy ra và bảo: đây là nhà mày mà, có phải đi ăn vụng ở nhà khác đâu mà sợ!? Nhưng từ đó cũng thấy rõ là ku thường đi ăn vụng ở nhà khác, nên có cái phản xạ đề phòng! Người cũng vậy, chỉ cần khéo quan sát một vài biểu hiện là nhìn thấu ra hết!

thượng thư phòng

Trước xem cái phim Trung Quốc nhan đề: Thượng thư phòng – 上书房 (chữ thượng này viết là , hiểu như động từ, không phải , nên đều đọc là “thượng thư” nhưng nghĩa khác nhau!) Mỗi sáng, vẫn còn chưa đến giờ Mão, các người hầu xách một cái mõ, vừa đi vòng vòng vừa gõ mõ vừa hô to: “阿哥门,上书房喽! A-ca môn thượng thư phòng lâu!” nôm na tức là: các A-ca, đã đến giờ đi học rồi! Thế là các hoàng tử lục tục thức dậy, rửa mặt, chải đầu để chuẩn bị lên lớp! Đến lớp thì phải chào thầy, nhưng các hoàng tử là những người có địa vị cao quý, có người sẽ là Hoàng đế tương lai, không thể hành lễ trước với người bề dưới được! Nhưng mặt khác, đã là sư phụ thì cũng không thể không chào! Thế nên các ông thầy phải đứng lên, dịch qua một bên một chút xíu, để cho các hoàng tử chào! Chào ở đây là chào cái ghế, chào cái địa vị sư phụ, chào cái vai làm thầy, chứ không hẳn là chào bản thân các ông thầy!

Trò chào xong thì thầy chào lại, cứ thế rườm rà một lúc, xong phần nghi lễ buổi sáng thì bắt đầu học! Thầy có hai vị, bề ngoài đều đạo mạo, uy nghi như nhau nhưng tính cách hoàn toàn khác nhau. Một người âm mưu, thâm độc, một người nhân từ, đức độ, cách dạy cũng không giống nhau! Ông âm mưu thì dạy cho các hoàng tử hết sách này đến sách khác, thiên kinh vạn quyển, văn chương lưu loát, biện luận hùng hồn! Người còn lại ra đề đúng một chữ Nhân – … Rồi suốt một năm sau đó, các trò chỉ luận về chữ Nhân này, luận đến khi nào phát ngán, phải khóc thét thì thôi… Mới vô đầu phim là đạo diễn đã bắt phải hô khẩu hiệu rồi, đương nhiên cũng chỉ là khẩu hiệu thôi, nhưng cũng có ý nghĩa của nó: 立身以至诚为本,读书以明理为先。 – Lập thân dĩ chí thành vi bản, Độc thư dĩ minh lý vi tiên – Làm người thì chân thành là điều căn bản, Đọc sách thì hiểu rõ nghĩa lý là chuyện tiên quyết!

bukh

Người Anh, đôi khi họ có những cái tự hào rất… kỳ lạ, ví dụ họ cho rằng cái động cơ Bukh của họ, vốn có hơn 120 năm lịch sử, mới là máy thủy thực sự, và duy nhất, tức là được thiết kế và chế tạo ngay từ đầu để chạy trên các con tàu biển, còn các hiệu khác đều là “máy cạn” được “marinized” – độ, chế lại cho phù hợp với môi trường nước! Nhưng cái tự hào ấy đúng là có chút cơ sở! Nếu xét kỹ thì các nhãn hiệu máy thủy nổi tiếng, từ Beta, Yanmar đến Volvo Penta đều là máy cạn được chế lại.

Như Beta là mua động cơ từ Kubota và chế lại cho phù hợp với môi trường biển! Động cơ Bukh được sử dụng phổ biến trên các xuồng cứu sinh, khi không cần đến thì cứ treo xuồng ở đó 10 năm, nhưng khi cần đến thì đề máy phải nổ! Đến tận ngày nay, một số dòng máy của Bukh vẫn không có phun xăng điện tử, không được điều khiển tiên tiến bằng máy tính, khi cần vẫn có thể quay tay (manivelle – hand-crank) để khởi động, tất cả là để phù hợp với môi trường khắc nghiệt nơi biển cả!

Horse power

Thường nghe nói “tàu cá 1000 CV” hay “động cơ 500 HP” (CV – HP – mã lực) nhưng đó chỉ là… một nửa sự thật, giới bán hàng thường mập mờ một nửa sự thật còn lại để đánh lừa khách hàng. Cái này phải nói sao cho dễ hiểu… những ai từng xài xe Vespa 150 thời xưa sẽ để ý tiếng nổ động cơ rất chậm, mạnh và đằm, một chiếc Honda đời mới có tiếng nổ nhanh hơn rất nhiều, dù 2 xe có cùng công suất danh định. Công suất (HP) và động năng (torque) là 2 cái hoàn toàn khác nhau, một đằng là con số tính toán “lý thuyết” và một đằng là năng lượng “thực tế” truyền ra tới bánh xe, chân vịt để đẩy xe, tàu chạy. Có thể tăng công suất động cơ bằng cách tăng số vòng quay RPM (round per minute) của nó! Ép máy chạy nhanh hơn, sinh nhiều công (HP) hơn, nhưng chưa chắc động năng đã tăng. Đồ thị biểu diễn liên hệ giữa số vòng quay (RPM), công suất (HP) và động năng (Torque) như hình. Ban đầu khi tăng RPM thì cả HP và Torque đều tăng, nhưng đến một mức thì chỉ HP tăng, còn Torque không tăng nữa, thậm chí giảm! Dù có ép máy quay nhanh hơn thì xe, tàu cũng không đi nhanh hơn, chính là tại điểm giao nhau của 2 đường cong!

Cũng như người vậy, những người có nhịp tim chậm thường sống thọ hơn người có nhịp tim nhanh! Tăng tốc độ quay RPM của động cơ đồng nghĩa với việc giảm tuổi thọ, trong nhiều trường hợp là giảm đi đáng kể! Các thế hệ động cơ cũ được thiết kế để chạy chậm và bền, còn không hiểu sao, các động cơ mới sau này được thiết kế để chạy nhanh, “công suất lớn”, nhưng tuổi thọ lại… rất có vấn đề! Cách duy nhất để tăng công suất mà vẫn giữ tốc độ chậm là tăng phân khối! Nhưng tăng phân khối tức là tăng kích thước, khối lượng, và tăng giá thành lên rất nhiều! Trong đồ thị, điểm giao nhau của 2 đường cong chính là số RPM “không bao giờ được vượt qua” của động cơ, vì có vượt qua cũng không có nghĩa lý thực tế gì. Người bán hàng lương thiện sẽ nói với bạn điều đó, còn người bán hàng “đểu” sẽ dùng các con số “hư ảo” trong phần phía trên của đường cong để đi lừa khách hàng! Về định nghĩa của HP – horse power, một con ngựa có thể sinh công suất tối đa khoảng… 15 sức ngựa, vì ông James Watt ngày xưa đo công suất ngựa trong điều kiện làm việc bình thường! Chứ lúc nào cũng 15 HP thì chắc con ngựa không sống được mấy ngày!

Sabotage

Về cách thức phá hoại, đặt thuốc nổ trong máy nhắn tin, bộ đàm, laptop mà Israel đã thực hiện, việc này hoàn toàn không có gì mới! Chúng nó sẽ vừa ăn cướp, vừa la làng như thế, sau khi thực hiện mưu đồ xong, thì sẽ quay sang buộc tội ngược: các bạn hãy đề phòng vì Nga và TQ sẽ làm như vậy! Trong chiến tranh VN, người Mỹ cũng đã dùng đến chiêu này, đạn AK được nạp một liều thuốc nổ mạnh gấp 5 lần, mạnh đến nổi đẩy bệ khóa nòng ngược vào mặt người bắn, hay đạn cối được tráo ngòi, khiến nó nổ ngay trong nòng súng! Sau khi làm giả đạn, họ sẽ cố tình dàn cảnh khéo léo để cho Quân giải phóng lấy được, thường là dưới hình thức những gùi đạn giống hệt như cách thức người VN vận chuyển. Số lượng đạn giả được tính toán chỉ vừa ở mức cần thiết!

Và thường là, đạn đã nổ rồi thì rất khó tìm ra nguyên nhân chính xác! Mục tiêu chính không phải là gây ra thương vong, mà là khiến cho Quân giải phóng bắt đầu nghi ngờ, bất an về chất lượng súng đạn, và phải hao tổn rất nhiều công sức để tìm cách phân biệt, loại bỏ đạn giả giữa đống đạn thật! Sau đó, thông qua các cách thức tình báo tinh vi, ví dụ như phát hành tài liệu “huấn luyện nội bộ”, hướng dẫn lính Mỹ không được xài các loại súng đạn chiến lợi phẩm thu được, sẽ rất nguy hiểm do… “chất lượng luyện kim” kém, và người Mỹ tìm cách bảo đảm rằng những tài liệu “nội bộ” này người VN cũng sẽ lấy được, qua đó tìm cách “mớm, gieo” cái nghi ngờ là Trung Quốc đã cố tình viện trợ đạn “đểu”! Nên thực ra, ai mới thực là ông trùm của các thủ đoạn gián điệp & khủng bố!?

meteorbridge

Vài năm trước, ông bạn già người Anh khoe cái “trạm khí tượng thủy văn” mini đặt tại nhà, giống như trong hình, có tính năng thu thập thông tin thời tiết và gởi về các trung tâm xử lý! Đương nhiên một trạm KTTV hiện đại còn nhiều thiết bị khác chứ không phải chỉ mỗi cái máy này, nhưng khác với các trạm KTTV truyền thống, nó được tự động hóa hoàn toàn, tự động cập nhật thông tin lên các máy tính trung tâm.

Nhiều gia đình ở Anh tự nguyện lắp đặt những trạm này để đóng góp cho mạng thời tiết chung. Thứ nhất là tự động hóa, thứ nhì là số lượng trạm lớn, độ bao phủ (coverage) rộng thì dự báo sẽ chính xác hơn! Cũng tương tự như các thiết bị đo bụi mịn vậy, nhưng ở mức độ chuyên nghiệp hơn! Đương nhiên, thu thập số liệu là một chuyện, mô hình dự báo, diễn dịch số liệu có nghĩa gì lại là một chuyện khác nữa!

việt – vẹo

Khi cái sự “vẹo” nó đã trở thành “chuẩn mực”, trong xứ gù, thằng nào thẳng là thằng đó… khuyết tật! Nhưng mà đụng đến là không được á, vô số chuyện “tâm linh” chứ không đùa! Ai mà vô trong cái cabin đó rồi sẽ thấy, thực ra bên trong phần lớn vẫn thẳng, chứ ghế không thẳng làm sao ngồi, giường mà nghiêng làm sao nằm được, bánh lái thẳng, các thiết bị phần lớn cũng thẳng, nhưng cabin là nó cứ phải “vẹo” như thế! Nghĩ cho kỹ, tất cả là từ sự dễ dãi, tùy tiện, cẩu thả, thiếu quy chuẩn, và rồi tất cả những sự “rỗng tuếch” đó được “thần thánh hóa” bởi “cái tôi” to hơn trời, không ai đụng vào được, không ai làm gì được! “Việt” và “vẹo”, mọi chuyện nó cũng giống y hệt con tàu vậy, và bằng một cách thần kỳ nào đó, nó vẫn chạy được, chạy và hoàn toàn không có sự “tự vấn, tự phản tỉnh” nào cả, dù là nhỏ nhất!

Xem các clip đóng tàu truyền thống của Thái Lan, đóng theo kiểu cũ, không có chút KHKT mới nào, nhưng xem là thấy rõ người thợ có tư duy hình học rõ ràng và tính toán tương đối chính xác! Còn ông thợ VN đem rìu ra đẽo miếng gỗ, chưa vừa thì đẽo tiếp, đến lúc nào ráp vừa thì thôi, không có một sự đo lường chính xác nào! Người ta đã thống nhất thước tấc, đơn vị đo lường khắp quốc gia từ hơn 2 ngàn năm trước, mà tận đến giờ mình vẫn kiểu “thước Lỗ Ban”, trong làm mộc, đóng thuyền cũng như trong xây dựng nhà cửa, mỗi người… một cây thước, dài ngắn khác nhau (!!!) như tôi mới đúng, không ai chịu ai, đụng đến thì lại viện một “Lỗ Ban” hoang đường nào đó, lại còn ngụy biện “công thái học” các kiểu! Không ở đâu khác trên thế giới mà lại “thần thánh hóa, huyền bí hóa” sự ngu dốt và lạc hậu như thế!

Ludmila Zykina

Chương trình âm nhạc… đầu tuần, một điệu valse chậm – Xe đưa thư tam mã, dân ca Nga, đây là một bản dân ca thực sự, không phải là một nhạc hiện đại vì quá phổ biến nên một cách tự nhiên, tự biến thành loại “dân ca mới” trong nhận thức của đại chúng. Tuy gọi là valse chậm, nhưng đoạn sau tempo được đẩy lên và bài ca chuyển sang một sắc thái khác.

Một thuộc tính của những bản nhạc hay là… tự nó chứa trong đó nhiều màu sắc đa dạng, phong phú, nhiều khi đối nghịch nhau, tùy người trình diễn lựa chọn cách thể hiện cảm xúc, khác với các loại nhạc dở, nhạc rẻ tiền… là chúng nó cứ đơn giản, thô thiển, đơn điệu, đến mức nghe như bị thiểu năng, trì độn vậy! Narodnyy artist – NSND Ludmila Zykina!

ngáo, 3

Facebook nhắc ngày này năm trước, những dòng viết khá “tâm đắc”… Nói chung là đám “báo chí”, cả nghiêm chỉnh, cả nhảm nhí, thường xuyên copy nội dung từ blog tkxuyen.com. Copy không thiếu cái gì, cứ y như rằng, viết xong một bài “tiên học lễ, hậu học văn, chính khí hướng thượng” là mặt báo bắt đầu xuất hiện trào lưu bãi bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ…”

Cứ như viết xong mấy bài về “ngáo” là có bài về tính resilience – kiên cường trong cuộc sống! Nhưng nói dễ, làm không dễ, thường thì người ta chỉ thấy điều người ta muốn thấy mà thôi, và cũng thường thì người ta không thể hiểu được cái bên trong họ không có! Chỉ mới vận động tư duy câu chữ đơn giản, mà còn chưa làm được thì không hy vọng gì…

hói mít

Đã nhắc đến đoạn này rất nhiều lần, đây là vùng có lượng mưa lớn nhất VN, và nằm trong top của thế giới, trung bình đến 10000 (10 ngàn) mm mưa mỗi năm, tưởng tượng có cột nước cao 10 mét đổ lên đầu bạn. Nên cũng là vùng có độ đa dạng sinh học cao nhất, và ảnh hưởng đến đường bộ, đường sắt thì không phải bàn! Thường xuyên tai nạn, từ suốt hơn nửa thế kỷ nay chứ không phải giờ mới có, năm nào cũng vài ba vụ, lặp đi lặp lại suốt mấy chục năm qua cứ y như là “định mệnh” vậy!

Riêng cái xóm Hói Mít, Lăng Cô đó là quá quen với tai nạn luôn, và những tai nạn thương tâm cứ lặp đi lặp lại mãi, đúng y một chỗ đó suốt mấy chục năm qua! Nguyên nhân là một khúc cua làm từ thời Pháp quá gắt, chỉ cần mở rộng ra cho bớt gắt là xong. Ấy thế mà bác ĐSVN, cũng như thực trạng chung các ban ngành, là không làm cái gì cả, chỉ có đi mua công nghệ, và hét giá trên trời, chứ có tự làm được cái gì đâu, nên chưa bao giờ có giải pháp cho nó đúng đắn, đàng hoàng cả!

spray

Joshua Slocum, như chúng ta biết, là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới một mình bằng thuyền buồm, 1895 ~ 1898. Cả cuộc đời ông ta gắn với biển cả, lấy vợ và sinh ra 7 đứa con ở trên thuyền, không ai phủ nhận ông ấy là một thủy thủ lão luyện! Nhưng cuộc đời ông ấy, theo những nghiên cứu hiện đại, vẫn có những khía cạnh “kỳ lạ” khác ít được biết đến! Đầu tiên là suốt cả đời, ông ta… không biết bơi! Và dĩ nhiên ông ta, cũng như một số người khác, đã ngụy biện rằng biển rộng bao la như vậy, dù có biết bơi cũng không có lợi ích gì! Thứ nhì là chiếc Spray của ổng, theo các tính toán hiện đại, là quá rộng và quá nông, không có khả năng self – righting, tự lật lại nếu bị sóng đánh úp. Self – righting, tuy không khó về tính toán lý thuyết, nhưng khá khó trong thi công và kiểm nghiệm thực tế!

Tất cả cho thấy một người thiếu kinh nghiệm, liều lĩnh, bằng một cách kỳ lạ nào đó, lại toàn may mắn! Nhưng vận may không theo Slocum đến hết đời, ông ta biến mất giữa biển Caribbean, không ai thực sự biết điều gì đã xảy ra, đoán rằng một con tàu hơi nước lớn cán qua! Về self-righting, đây là một chủ đề khó, chỉ một số ít các thuyền đi biển có khả năng tự lật lại khi đã úp, đa phần là các xuồng cứu sinh, cứu hộ. Nhiều thuyền có khả năng tự cân bằng khi đã nghiêng đến hơn 90 độ nhưng vẫn chưa có khả năng self-righting, như vụ lật thuyền tháng 2-2022 tại cửa Đại, Hội An, lật úp xong rồi nằm đó luôn! Nhiều thuyền có tải giằng rất lớn, đến 40% mà vẫn không tự lật lại được! Self-righting không chỉ phụ thuộc vào tính toán lý thuyết mà còn tùy vào kỹ thuật đóng thuyền cụ thể…

toạ thực sơn băng – ngồi ăn núi lở

Bao nhiêu khai thác, xây dựng, phát triển kinh tế các kiểu, tạo ra bao nhiêu kiểu phồn vinh giả tạo, rồi cũng sẽ phải trả lại hết mà thôi, trả đủ cả vốn lẫn lời, không thiếu một đồng cân nào! Không ở đâu chạy thoát, khắp tất cả các vùng miền từ Bắc, Trung, Nam, từ thành thị cho đến nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tất cả đều là do khai thác tài nguyên thiên nhiên và xây dựng cơ sở hạ tầng mà ra!

Trung Quốc cũng thiệt hại do bão Yagi, nhưng chỉ có 4, 5 người chết (ít nhất báo cáo là vậy), qua đó cho thấy hạ tầng, môi trường họ làm kỹ lưỡng hơn, nên ít thiệt hại hơn. Em lặp lại một ý đã nói từ mấy năm trước: tất cả đều là do… “ăn ở” thôi, 100 triệu dân, chỉ riêng vấn đề “ăn” với “ở” thôi là đủ: 坐食山崩 – toạ thực sơn băng – ngồi ăn núi lở! Tất cả chính là hiểu theo nghĩa đen trần trụi nhất!

retarded

Suốt cả chục năm qua, tôi đã nghe về cái “định luật Bernoulli” này không biết bao nhiêu lần! Vô số “chuyên gia mạng”, học lỏm được đúng 1 chữ “Bernoulli”, nhân dịp mưa bão này đưa ra vô số lời khuyên kiểu “xúi dại, nói ngược”: nên mở cửa để làm giảm “áp suất Bernoulli” để căn nhà an toàn hơn! Đây đúng phải gọi là những dạng “retarded”, lặp lại từ ngữ như vẹt mà không hiểu nội hàm bên trong, và cũng là một kiểu “xúi dại” hết sức nguy hiểm! Nếu đóng chặt cửa, cấu trúc căn nhà liền một khối, gắn kết vững chắc với nhau và với mặt đất thì sự “chênh lệch áp suất” do gió tạo ra không thể nào bứng nguyên tòa nhà lớn đi được! Ngược lại, mở cửa chính là làm yếu đi cấu trúc tổng thể, tạo ra một chổ hổng để gió lùa vào!

Lúc này gió có cơ hội phá từng phần, bắt đầu từ những phần yếu nhất, đó là phá vỡ cửa, tốc mái! Trong sự tác động của gió, phần lớn là lực trực tiếp của luồng khí di chuyển, nhưng quả thực, có một phần do “nguyên lý Bernoulli”, sự chênh lệch áp suất nội tại giữa những luồng khí có vận tốc khác nhau! Đây là loại áp suất “thủy động”, không có “động” thì không có áp suất này! Mà mở cửa tức là trực tiếp gây ra sự “động”!!! Đây là lập lờ cố ý, hay là ngu dốt, thiểu năng, bị con chữ “áp suất” (thủy tĩnh) đánh lừa, vì có “áp suất” nên phải “mở van”? Đúng là “vừa ngu, vừa bất lương”, trong lúc mưa bão đưa ra lời khuyên như thế! Với đa số các nhà bình thường, nên đóng, chốt cửa, chằng néo thêm bằng thanh gỗ và dây thừng!

Nhưng cũng có trường hợp, như các mặt tiền – facade, cấu trúc vốn đã không thể kín gió! Chính vì không thể tránh, nên cần cân nhắc mở vuông góc để chia nhỏ diện tích và chằng buộc cẩn thận! Các “chuyên gia mạng” đã loay hoay với “định luật Bernoulli” như thế cả chục năm nay, em thấy rút cuộc, chúng nó không có khả năng hiểu được đâu! Nên bỏ thời gian đọc về “thủy tĩnh – hydrostatic”, “thủy động – hydrodynamic”! Mà đừng đọc trên “mặt chữ”, không hiểu mà nhắc lại như vẹt là người ta biết ngay! Dù tiếng Việt dùng “thủy” để dịch chữ “hydro” thật, nhưng không có nghĩa là “nước” đâu nhé, dùng để chỉ những dạng vật chất tuôn chảy (bao gồm nước, khí, plasma), từ dùng theo nghĩa đối lập với thể “rắn”.

instx4

Đạp xe vận động nhẹ nhàng cuối tuần, làm cái clip ngắn để test thử cái camera. Nhớ lại chính xác là 11 năm trước, tôi đi mua cái GoPr3 về, cầm trên tay thật đúng là một kỳ quan kỹ thuật; ý tưởng, công nghệ đều đi trước thời đại, chỉ có Mỹ quốc mới làm được như vậy, chứ Trung quốc thì còn lâu nhé! Và xài cái cam đó hơn 10 năm, nhiều cảnh quay thích vô cùng!

Hơn 10 năm sau, bây giờ thì, những người đã từng xài cam Inst (công ty có trụ sở tại Thâm Quyến) thì bảo: không cần phải xài những loại khác nữa, kể cả GoPr! Cứ như thế, họ cứ từ từ từng bước, dành hết công việc sáng tạo của thiên hạ! Trong khi đó, chúng ta thì… Bốn ngàn năm ta vẫn là ta, Ở trong hang đá chui ra, Vươn vai một cái rồi ta chui vào!

rnli

Những chiếc “tàu – xuồng” cứu hộ nước Anh – RNLI thực ra rất bé, đa số chỉ dài khoảng 12 ~ 15m, lượng choáng nước chỉ chừng 15 ~ 20 tấn, nhưng có cái giá rất khét lên đến hàng chục triệu bảng! Đây quả thực là những chiếc tàu tuyệt đẹp, nhưng nhiều người không hiểu sao nó lại mắc như vậy?! Lấy một ví dụ nhỏ, cái động cơ của nó được thiết kế rất đặc biệt, cho dù tàu bị có lật ngược lại thì máy vẫn hoạt động bình thường. Như những con tàu phổ thông khác, lật ngược lại là xăng không lên, nhớt chảy ngược, chỉ chừng vài giây là động cơ tắt ngúm, mất động lực, mất điện. Và vì mắc tiền như thế nên chúng được bảo vệ, bảo trì rất kỹ, thường những con tàu cứu hộ này có nhà chứa – hangar riêng nằm trên bờ!

Khi có nhiệm vụ cứu hộ, tàu nhanh chóng được hạ thủy, trượt xuống theo một đường ray được làm sẵn, đến khi xong việc kéo lên trở lại. Những chiếc tàu chỉ dưới 20 tấn, có khoảng 5 ~ 7 tấn trọng tải giằng (thường dùng nước để giằng) này đi ra biển trong mọi điều kiện thời tiết, mọi cấp sóng, mọi cấp gió, và nhỏ xíu về kích thước nếu so với tiêu chuẩn của các nước khác! Ví dụ như các con tàu cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam thường rất lớn, đến 100 ~ 300 tấn, có chi phí hoạt động cao hơn rất nhiều lần, nhưng cũng rất thường khi, sóng gió mới có cấp 8, 9 là thuyền trưởng đã không muốn đi ra biển rồi! Nên nhiều khi lớn xác không hẳn đã là hay, xác lớn mà… “bi” không lớn, không làm được việc thì cũng vô dụng!