tia nắng

Có giai đoạn nào đó, các sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bổng trở nên “cao” lạ thường, có lẽ vì viết riêng cho NS Quốc Hương vừa đi tu nghiệp về (kỹ thuật hát có nhiều tiến bộ), điển hình như bài “Những ánh sao đêm”, trước mỗi lần karaoke, đến đoạn ấy là tôi phải leo lên bàn, hát cho nó đủ cao: “xây cho nhà cao, cao mãi…” 😃 Bài dưới, tuy không nhiều người biết, cũng là điển hình cho cái xu hướng “cao” ấy… 🙂

duyên khởi

Khu Nhà Bè tôi ở có khá nhiều chùa chiền, cơ sở Phật giáo. Sâu xa trong lịch sử phát triển của một vùng đất, khu vực nào dân sinh còn dã man, dân trí còn thấp kém, các bậc hành giả thường hướng về đó, xây chùa, giảng pháp, giáo hoá chúng sinh, đó cũng điều dể hiểu! Chụp được cái poster này ở gần nhà cũng đã khá lâu. Sâu xa thì tôi không tán thành lắm với cách lý giải Phật giáo một cách quá ư bình dân như thế. Nhưng phần nào đó, những cách lý giải đó, nó vẫn đúng, đúng một cách vừa ngây ngô, vừa thô thiển, lại vừa… sâu sắc! 🙂 Xem kỹ hình bên dưới:

Nhân: dụ dỗ lừa gạt người, Quả: ngu si dễ bị lừa gạt! Ôi sao lại thế, sao lại có thứ logic lạ lùng như vậy?! Thì ví dụ là đám “đa cấp” đấy, tự chúng nó “thông minh” với nhau! Một ví dụ rất “thấp”, nhưng nhiều chuyện cũng y thế, rất nhiều người vì “thông minh” mà tự mình “tạo nghiệp”! Ở tầm cao hơn, Tứ diệu đế (4 chân lý màu nhiệm), Bát chính đạo (8 con đường đúng đắn), Nhân quả và Duyên khởi, Phật giáo chẳng có vẻ gì là tôn giáo, chỉ là: 1 chút luân lý (ethics), 1 chút luận lý (logic), 1 chút tâm lý học (psychology), 1 chút khoa học nhận thức (cognitive science)…

walrus pull

Ngày xưa, khi kayak hãy còn là công cụ “săn bắt hái lượm” ở đảo Greenland. Nói kayak xuất phát từ Greenland không hoàn toàn đúng, nhưng để đơn giản hoá vấn đề, tạm chấp nhận như thế. Ngày xưa, những người đàn ông “da đỏ” dùng kayak đi săn hải cẩu (seal), hải mã (walrus). Đây là những loài động vật lớn, nặng từ vài tạ cho đến vài… tấn. Họ ngồi trên xuồng, phóng lao vào những con vật khổng lồ ấy, chúng sẽ không chết ngay đâu, và sẽ kéo mũi lao cùng chiếc xuồng đi cho đến khi kiệt sức, không cần phải nói, đó là một cuộc chiến sinh tồn thật sự.

Những “kayaker” sẽ xoay ngang chiếc xuồng lại, tìm cách dìm xuồng xuống nước để làm tăng sức cản, làm con vật mau kiệt sức. Đôi khi, những con vật sẽ kéo chiếc xuồng lật, xoay, lòng vòng như chiếc lá… trong khi người chèo vẫn phải ngồi vững trong xuồng. Ngày nay, người ta không còn săn hải cẩu, hải mã nữa, 5 người đàn ông khoẻ mạnh đứng trên bờ, dùng một sợi dây để “giả lập” lực kéo của con hải mã, thử thách người chèo làm sao vẫn giữ vững được trên xuồng. Haiza, xem ra kỹ năng của kayaker hiện đại chẳng là cái gì so với ngày xưa, xem video dưới đây sẽ rõ.

tiểu tư sản

Tất cả mùa xuân rộn rã đi,
Xa xôi người có nhớ thương gì?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,
Ta biết xuân nhau có một thì…

Sáng 4h30 thức dậy, chạy một vòng quanh hồ Xuân Hương, rồi về ghé cafe Tùng sau lưng chợ Đà Lạt. Bà chủ quán tinh ý, thấy mình vào là đổi sang nhạc Pháp: J’ai quitté mon pays, J’ai quitté ma maison các kiểu, ngồi một lúc là các thành phần tri thức, nghệ sĩ vườn của Đà Lạt sẽ tụ họp về đây, tám chuyện trên trời dưới đất! Haiza một thời tự thấy mình cũng “petite bourgeoisie” – tiểu tư sản kinh!!! 😀

nắng chiều rực rỡ

Một đôi lần, đi dã ngoại, bạn tôi hay than phiền: sao cảnh mình chứng kiến nó đẹp thế, nó sinh động như thế, mà chụp về post lên Face lại thấy cũng bình thường, thiên hạ chẳng ai thấy đẹp!? Quan tâm ảnh đẹp làm gì, ảnh ọt thì nó chỉ tới như thế thôi! Mình đâu có phải nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mà cũng không có rảnh để làm chuyện đó!

Và có những người chỉ sống trong “thế giới phẳng 2D” nên họ chỉ thấy như thế! Họ đâu có ở ngay tại đây, ngay lúc này, trong thế giới n-D, hàng ngàn chiều – kích khác nhau, nhìn thấy chiều sâu của cảnh vật, cảm nhận, sờ mó, nghe, ngửi… Đã bảo là: trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một… đã bảo rồi mà ko tin! 😀

nam định

Chuyện chẳng “hay ho” gì, nên bây giờ mới kể… Năm đó, đi thăm nhà thờ Chính toà thành phố Nam Định xong, định đi tiếp về Phát Diệm gần đó, thấy có quán cafe nên tấp vào ngồi nghỉ một lát. Trong quán có 3 cô gái, 1 cô rất trẻ, xinh và ăn mặc rất thời trang (đây rõ ràng là một con “chim mồi”), hai cô kia trông có vẻ già dặn, trãi đời hơn tí. Ngồi một lúc, nói một vài câu là hiểu ngay họ định rủ mình đi đâu rồi!

Nhưng mà nhỏ nhẹ, lịch sự và khéo vô cùng, chèo kéo, nài nỉ, khéo và ngọt, ấy thế nên mình… lại không nỡ xẳng giọng. Sợ thì không sợ, nhưng thừa hiểu cái bẫy giăng ra có thể sập xuống bất cứ lúc nào! Đi thì bị níu lại, nhất định không cho đi, nên cũng đành phải nhỏ nhẹ, pha lẫn với khôi hài: Nàng buông vạt áo anh ra, Để anh đi chợ kẻo mà chợ trưa. Cô gái trẻ cười khì khì: em tha cho anh đấy! 😀 kaka

sapa – 2

Bữa sáng đầu tiên ở Sapa, chưa chụp được bức ảnh nào thì đã ngã dập mặt, bể cái ống kính! 😞 Lò mò tự tháo ra, bên trong gãy 2, 3 chi tiết, “tài lanh” một hồi (dùng keo con voi) ráp lại thì vẫn chụp được ảnh như này! Về SG, đem vô chính hãng, hãng bảo phải gởi đi Sing, tiền sửa + tiền ship = tiền ống kính mới, thôi để vậy xài luôn, vẫn xài tốt đến giờ, nhưng phải “hiểu” nó, phải có “mẹo” một chút… 🙂