bắc hành – 2016, phần 13

Chặng 13: Sơn La ❯ Thuận Châu ❯ đèo Pha Đin ❯ Tuần Giáo ❯ Mường Ảng ❯ Điện Biên

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

ượt đèo Pha Đin và một số con đèo nhỏ khác từ tp. Sơn La đi tp. Điện Biên. Với đường sá hiện đại như ngày nay và một cái xe tốt, thì chẳng có gì khó khăn khi chạy bất kỳ con đèo nào ở Việt Nam. Thật dể như ăn bánh, chỉ cần phải cẩn thận khi đi đường một tí! Tôi hơi dị ứng với các kiểu nói quá như: chinh phục, khám phá… “trải nghiệm” nghe có vẻ đúng hơn!

Đèo Pha Đin gây nên một sự hưng phấn nhẹ, cái địa thế núi non rộng lớn, các con dốc dài thăm thẳm. Tưởng đến ngày xưa, khi con đường tiếp vận chính cho chiến trường Điện Biên Phủ từ khu 4 (Thanh Hoá, Nghệ An…) đi qua con đèo này, những anh chị dân công hoả tuyến đẩy xe đạp thồ hàng tạ gạo, trung bình mỗi ngày qua đây chỉ đi được… ít hơn 4, 5 km!

Thời tiết lạnh, sương mù ẩm ướt, được cái ít mưa suốt cả chặng đường. Nhưng riêng đoạn Pha Đin, trời quang nắng ấm, cho tầm mắt được trông xa thoả thích đến hết cảnh vật xung quanh! Các bản làng của người Thái, những ngôi nhà sàn thật dài và lớn, khói lam chiều, và hình ảnh rất dịu dàng của người phụ nữ Thái, váy nhung đen, địu con sau lưng.

Bỗng dưng có suy nghĩ, với một đất nước địa hình chia cắt, nhỏ lẻ như Việt Nam, cộng với cách quy hoạch, xây dựng manh mún, tự phát, cách hay nhất để chụp được những khung hình thật đẹp là dùng một con drone, ví dụ như một quadcopter xịn, chỉ cần bay vượt lên trên cao một tí, từ trên nhìn xuống là thấy được toàn cảnh những non sơn gấm vóc này!

bắc hành – 2016, phần 12

ừ Mộc Châu trở lên là nơi tập trung nhiều người Thái cư ngụ, xen lẫn một số ít người Mông, Mường, Dao và các dân tộc khác. Kiểu búi tóc cao đặc trưng của phụ nữ Thái, cùng với khăn vấn đầu, và một khung cảnh rất ngộ khi họ đi xe máy, chiếc nón bảo hiểm để đối phó với công an giao thông, lủng lẳng trên cao giống như chiếc gáo dừa buộc vào ngọn tre! 😀

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, người Thái là sắc dân chiếm đa số, đông hơn cả người Kinh, người Mông… Và những sinh hoạt hằng ngày của họ cũng có vẻ phong phú, nhiều mầu sắc. Tôi đã biết được một chút về người Mông, nhất là ở vùng Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc, Lào Cai… nhưng người Thái với tôi vẫn còn khá xa lạ. Tìm cách bắt chuyện với một số người…

Cảm thấy rất có cảm tình với giọng nói, cách phát âm của tiếng / người Thái vùng này. Dù không hiểu, nhưng cái ngôn ngữ 5 thanh điệu đó nghe rất mượt mà, tròn trịa và tinh tế, có sự chú trọng kỹ càng đến âm sắc, đến âm lượng phát ra và ấn tượng đối với người nghe, không như tiếng Mông, nghe hơi thô, gần giống với tiếng Hoa vùng phía nam Trung Quốc.

Thật tiếc là lịch trình đã vạch ra không chú trọng đến vùng Hoà Bình, Sơn La này. Lúc nào đó sẽ phải trở lại đây, ở trong các homestay của chủ nhà người Thái, ăn đồ ăn do họ nấu, giao tiếp với họ hằng ngày, nghe các làn điệu dân ca… thì may ra mới có thể hiểu thêm về họ. Hành trình “cưỡi ngựa xem hoa”, một cách miễn cưỡng, tiếp tục đi về phương Bắc!

bắc hành – 2016, phần 11

ộc Châu cách Mai Châu chừng 70 km, trên đường vào Mộc Châu qua huyện Vân Hồ, là khu vực sinh sống tập trung nhiều người Mông. Khác với vùng Hà Giang, Quản Bạ, người Mông ở đây có vẻ hiện đại hơn, và cũng ít phần “nguyên bản” hơn, đơn giản là vùng này thực ra rất gần đồng bằng Bắc Bộ. Khí hậu kiểu cao nguyên, lúc thì trời quang nắng ấm…

Lúc thì mù sương lạnh buốt, tuỳ vào vị trí và thời điểm trong ngày! Thị trấn Mộc Châu khá lớn, chạy dọc theo một thung lũng rất dài và hẹp, từ đầu này sang đầu kia thị trấn có hơn 40 km, và cuộc sống ở đây hoàn toàn hiện đại, bắt kịp với những thị trấn khác dưới đồng bằng. Cũng giống như Đà Lạt với Sài Gòn, Mộc Châu là nơi người để người Hà Nội đi đổi gió.

Với những ai cần sự thay đổi, Mộc Châu là điểm đến thích hợp, không quá xa trung tâm, đường đi thuận tiện, cuộc sống cũng đã có phần tiện nghi, hiện đại! Nhưng với tôi, đi với con mắt muốn quan sát xem người dân bản địa sống như thế nào, thì đó là một điều không mấy đẹp khi thấy… người Kinh chúng ta đi đến đâu thì làm rất nhiều điều tầm bậy đến đó!

Đến đây, món thích nhất là… sữa chua, ăn theo kiểu Mộc Châu: sữa chua bò sữa Mộc Châu (rất dẻo) trộn với xôi nếp cẩm (miền Trung hay gọi là nếp than), lúc đầu hơi lạ, nhưng ăn quen thấy rất ngon! Nói thêm chút về chuyện ăn uống, đi như thế này, một gói xôi nếp với vài khúc dồi lợn với tôi đã là một buổi tối ngon lành, không cần phải cao lương mỹ vị!

bắc hành – 2016, phần 10

m nhờ anh một việc: vừa qua rừng Cúc Phương, bên trái, đến cây xăng số 14, phía trước có một cô bé người Mường xinh xinh ngồi bán mía, anh xin giùm em số điện thoại cô ấy. Quả nhiên đến cây xăng 14 thì gặp cô bé đó thật! Gởi SMS số điện thoại cho ai đó gần 150 km dưới xuôi về phía Nghệ An, không quên chúc tếu anh chàng một câu hạnh phúc! 😀

Miền tây Thanh Hoá là tiếp tục một dải núi đá vôi thường thấy ở vùng Quảng Bình, cảnh quan có nhiều điều ngoạn mục! Đây là xứ sở của người Mường, một anh em bà con gần với người Việt. Tôi thử nói chuyện với một số người Mường, tuy khó nghe, nhưng cố gắng vẫn hiểu được. Vì tiếng Việt với tiếng Mường vốn chung một gốc, có chung rất nhiều từ vựng!

Đèo Thung Khe, Mai Châu không quá dài (20 km), cũng không hiểm trở như những con đèo khác ở Lào Cai, Hà Giang tôi đã đi qua. Nhưng Thung Khe tạo nên một cảm giác chênh vênh rất lạ. Dưới chân đèo là đồng bằng, phía trên đã là miền núi, dưới còn đang là nhiệt đới, thì đỉnh đèo đã có một ấn tượng ôn đới, với rừng cây nhuộm phớt những sắc đỏ, vàng.

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi trong Tây Tiến – Quang Dũng chính là đây! Đâu có xa, chỉ khoảng hơn 150 km tính từ Hà Nội, nhưng đây đã là một thế giới khác biệt và riêng biệt! Sẽ dừng chân Mai Châu ít ngày để hiểu thêm về sự chuyển tiếp miền ngược / miền xuôi khá đột ngột này, thăm thú loanh quanh một số nơi, trước khi tiếp tục hành trình ngược bắc!

bắc hành – 2016, phần 9

Nước non này chỗ đưa nhau,
Một xa, muôn dặm biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả nỗi lòng,
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.

ừ Phố Châu, Hà Tĩnh vừa qua đến địa phận tỉnh Nghệ An, muốn mở điện thoại ra xem bản đồ thì mới biết rớt mất từ lúc nào! Vào quán bên đường, nhờ điện thoại gọi vào số của mình! May có người nhặt được bắt máy, thế là lội ngược trở lại 50 km để nhận lại cái điện thoại! Thế mà người trả tôi cái điện thoại nhất quyết không nhận bất kỳ sự đền đáp nào!

Cứ mỗi lần đi qua vùng Nghệ An, Thanh Hoá là tôi lại có cảm giác… trở về nhà! Có điều gì đó tương đồng từ trong ngữ âm, giọng nói cho đến tính cách, khó có thể lý giải cho rõ ràng được, mà người ngoài nhìn vào thì chắc chắn sẽ bảo rằng chẳng có gì giống nhau cả! Đứng trên cầu Cẩm Thuỷ, nhìn ra bốn bề cảnh sắc sông xanh núi biếc hữu tình, thầm đọc câu:

Phù vân du tử ý, Lạc nhật cố nhân tình – 浮雲游子意落日故人情 (Tống hữu nhân – Lý Bạch). Dịch nghĩa: ý của kẻ lãng du thì như mây bay trên tầng không, mà tình người xưa cũ thì như vầng mặt trời sắp lặn. Cái sự cô đọng tối giản mà bao la ngữ nghĩa, mênh mông tình ý của thơ Đường nhiều khi không thể lý giải cho đủ hết ngọn nguồn được!

Tân Kỳ: km số 0 của đường Trường Sơn ngày trước, Nghĩa Đàn: những nông trường bò sữa dài ngút tầm mắt, bỏ qua thành nhà Hồ đã thăm trong chuyến đi năm ngoái, bỏ qua luôn suối cá Cẩm Lương, Cẩm Thuỷ, cũng chỉ là những đàn cá to, không có gì hấp dẫn lắm. Đường lên Mai Châu, Hoà Bình, đây đó đã thấy những y phục của người Mường, người Thái.

bắc hành – 2016, phần 8

iếp tục đi qua vùng có khí hậu khó chịu nhất Việt Nam, suốt một dãy từ Thừa Thiên cho đến Hà Tĩnh. Đi qua khu tưởng niệm cụ Phan Đình Phùng (người đặt căn cứ chống Pháp tại Vũ Quang), một công trình điêu khắc hiếm hoi mà theo tôi là chưa đẹp, nhưng ít ra cũng không xấu! Chẳng hiểu đang nghĩ gì trong đầu mà quên không chụp tấm ảnh nào cả!

Một dải phía tây, miền núi Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… các nóc nhà thờ mọc lên như nấm sau mưa! Điều này cũng dễ hiểu, vì Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên hết là ở những vùng này! Nhưng về sâu xa, ở đâu cuộc sống còn quá khó khăn, lòng người còn bấp bênh, dân trí còn thấp… thì con người ta còn cần có niềm tin để tiếp tục tồn tại!

Một cái bảng hiệu đã thấy nhiều trong chuyến đi xuyên Việt năm ngoái, nhưng đến bây giờ mới chụp lại (ảnh thứ 2 dưới đây, click vào ảnh để xem chi tiết dòng chữ Anh, Việt). Viết tiếng Anh như thế này mà người bản ngữ hiểu được chết ngay! 😀 Không thể hiểu bằng cách nào người ta có thể dịch được như thế, vì đến cả Google translate cũng có thể làm tốt hơn!

Đi ngang qua nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãng Ông Lê Hữu Trác, nhưng trời lạnh buốt, làm biếng ghé vào, tiếp tục hành trình ra Nghệ An, Thanh Hoá. Từ đây, đường Trường Sơn thôi chạy dọc biên giới Việt – Lào, mà đi sâu vào miền trung du, dân cư cũng đã thêm phần trù mật, cảnh quan cũng đã khai phá nhiều, không còn nguyên sơ như đoạn đường trước!

bắc hành – 2016, phần 7

ặp gỡ thú vị nhất trên đường, đôi bạn trẻ người Đức, Philipp và Leonie đạp xe từ Đức đến hôm nay đã gần 40 000 km. Leonie đang ăn cơm tự nấu theo kiểu Lào, họ cắm trại dọc đường như thế suốt hành trình hơn 10 tháng của mình. Thật đáng ngưỡng mộ, những chặng đường như thế này, đi bằng xe máy còn thấy khó khăn và mệt mỏi, nói gì đến xe đạp!

Ngồi nói chuyện với họ một lúc lâu rồi tiếp tục lên đường. Cứ mỗi lần qua sông Son, Phong Nha, Quảng Bình là tôi lại có những cảm xúc đặc biệt! Nước sông một màu xanh biêng biếc, từ chính xác nhất để mô tả màu của nó là “bích” – . Trong tiếng Hoa, từ này chỉ một màu xanh pha giữa xanh lá cây và xanh nước biển, không phân biệt rõ được là màu nào.

Giống như ngọc bích, cái màu xanh ấy thực là huyễn hoặc và quyến rũ, nhất là đoạn gần phía thượng nguồn, và nhất là khi làn sương giăng ngang mặt sông vừa chớm tan ra. Chiều nay đứng bên dòng sông này, bỗng dưng nổi hứng đọc hai câu của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ: Bờ sông xanh, chiều hôm nay buộc ngựa, Kiếm gối đầu, theo gió thả hồn cao!.

Thời tiết ngày càng trở lạnh, lại vừa có thêm một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về. Tiếp tục hành trình lang bạt đây đó, tránh xa các nhà hàng, khách sạn “sang trọng”, những món ăn đặc trưng của địa phương mới chính thị là “ngon, bổ, rẻ”! Một món khoái khẩu hay ăn là bún cầy (bún thịt chó), từ vùng Quảng Bình trở ra phía Bắc vẫn thường hay gặp 😀!

bắc hành – 2016, phần 6

ường Trường Sơn Tây qua Quảng Trị, Quảng Bình khá khó đi, đèo dốc quanh co liên tục, dân cư thưa thớt, mùa này mưa dầm, rét buốt và nhiều sương mù. Như đoạn 50 km cuối đến Khe Gát, Quảng Bình hầu như là chạy trong sương mù đậm đặc, trong màn sương bỗng có tiếng ai đó hét lớn: Ê, đường không đi được, bỏ qua lời khuyên, tôi cứ chạy tiếp 😀!

Đi những đoạn đường như thế này nên có thêm 1 bình 3 ~ 4 lít chứa xăng dự phòng, và một ít bánh trái ăn dọc đường, vì một đoạn dài trên 250 km hầu như không có nhà dân, trạm xăng, khách Tây đi phượt đông hơn dân bản địa! Chiếc xe 6 số của tôi liên tục chạy ở số 4, nhiều đồi núi quanh co, sương mù dày, tầm nhìn rất hạn chế, đi đã chậm lại hao xăng.

Đến Khe Gát, một đoạn đường bỗng nhiên thẳng và rộng một cách lạ thường, hai đầu có hai bảng đề “Di tích lịch sử” (mà không nói rõ là di tích gì), đó chính là sân bay Khe Gát. Gọi là sân bay cho oai chứ thực ra ngày xưa chỉ có đúng 1 đường băng dã chiến, với NHÕN 1 chiếc MIG 21, thỉnh thoảng cất cánh tấn công vào các tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ.

Hiểu thêm một chút về những hình thức chiến tranh bất cân xứng (asymmetric warfare), khi độc 1 chiếc MIG cũng khiến cho tàu Mỹ không dám vào quá sâu trong vịnh Bắc Bộ, một cách chống tiếp cận (access denial) hiệu quả với lực lượng tối thiểu. Điều tài tình là suốt cả cuộc chiến, người Mỹ chưa bao giờ phát hiện được cái sân bay bé tí nằm ở đây!

bắc hành – 2016, phần 5

iếp tục hành trình ngược ra Bắc theo đường Trường Sơn, nhưng đi toàn bộ trên nhánh Tây sát biên giới Lào. Những địa danh quen thuộc đã từng đi qua, lần này theo chiều ngược lại: Đăk Glei, đèo Lò Xo, Khâm Đức, Prao, A Roàng, A Lưới, Đakrông, Hướng Hoá… Tinh ý một chút sẽ nhận thấy những đổi thay khác biệt so với năm ngoái dọc tuyến đường này.

Cuộc sống hiện đại len lỏi đến từng thôn bản, học sinh tề chỉnh đến trường, người dân nhìn bớt lam lũ, phụ nữ có phần ăn diện hơn một tí… Những mặt trái của nó thì có lẻ phải ở lâu mới thấy được. Những tour du lịch lữ hành cho khách Tây đi xe máy dọc Trường Sơn có vẻ như đang bùng nổ, đâu đâu cũng thấy những anh chàng, cô nàng mắt xanh mũi lõ xuôi ngược.

Những anh chàng Việt mặt mũi bặm trợn làm tour guide, quần bò áo da, cưỡi xe máy PKL dẫn đầu đoàn khách, từ cách ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ… đích thị như một thằng Tây con. Trang phục thì chỉ mất vài tuần để học, cử chỉ điệu bộ thì chắc mất vài tháng, nhưng ngôn ngữ thì sẽ phải mất nhiều nhiều năm, còn tinh thần thì chắc phải mất thêm nhiều thế hệ nữa!

Đi qua khu bảo tồn thiên nhiên A Roàng, A Sầu, A Lưới… khu vực mưa nhiều nhất Việt Nam, vùng núi chung quanh Hải Vân, Bạch Mã, những cơn mưa rừng rỉ rả suốt cả ngày! Từ đây trở đi là bắt đầu cái thời tiết “mưa phùn gió bắc”, đã lạnh, lại còn ướt rất khó chịu! Những kinh nghiệm từ chuyến đi trước đã giúp cho hành trình lần này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều!

bắc hành – 2016, phần 4

ầu hết người Việt tôi gặp trên đường cho đến lúc này đều có sẵn một vài “thuyết âm mưu” (conspiracy theory) trong đầu, ai cũng suy đoán tôi đi chơi dài hơi như thế này là vì một business hay một affair gì đó. Em thấy thằng Tây balô, Tây bụi chưa, anh cũng giống như vậy đó, anh là thằng Ta balô, giải thích rõ như vậy nhưng người ta vẫn bán tín bán nghi!

Công an Lào khác công an Việt Nam, ít đi moto, không núp lùm và rượt đuổi chặn bắt, mà làm hẳn một cái lán gỗ ngay giao lộ, xếp mấy cái ghế bố để ngồi, nằm “làm luật” cho nó thoải mái! Mặc dù cũng ăn tiền, nhưng khác cảnh sát Việt, họ khá từ tốn và lịch sự. Vậy cũng nên đối xử với họ tương tự, chớ dại nổi nóng mà buột mồm những từ ngữ không hay.

Vì công an Lào, nhất là các chú đội trưởng, đội phó đều được đào tạo nghiệp vụ tại Việt Nam, nên dù ít hay nhiều, đều có thể nghe, hiểu và nói tiếng Việt! Mấy ngày long rong ở Attapeu, Champasak, lên đến gần Pakse, nhưng không thể đi xa hơn, do hiện tại cửa khẩu Bờ Y phía Lào không cấp phép tạm nhập / tái xuất cho xe máy dưới bất kỳ hình thức nào!

Chỉ cho phép tự do xe máy giữa hai tỉnh Kontum & Attapeu để dân địa phương qua lại làm ăn. Đã thử nhiều cách nhưng không thể qua được! Kế hoạch đi xuyên Lào THẤT BẠI TẬP 1 😢! Một số công việc cá nhân ở Attapeu cũng đã làm xong, hôm nay đành quay lại cửa khẩu Bờ Y. Plan A coi như là failed, nhưng ta vẫn còn plan B, plan C… hành trình tiếp tục!