cantopop

húa Nhật tuần trước, đi chơi một ván cờ vây giải sầu với bạn Minh tại café Tuấn Ngọc, tình cờ nghe được bài này. Xen giữa những phút suy nghĩ về thế cờ, thoang thoáng nghe ra cũng là một dáng nhạc hay. Mới nghe biết không phải là nhạc Việt, thoáng nghĩ là nhạc Latino, nghe kỹ một chút thì đoán là nhạc Hoa. Nhớ lại lúc trước, khi những đứa bạn cấp 3 của tôi rầm rập nghe Tứ Đại Thiên Vương, thì tôi, không đến nỗi không biết TĐTV là cái gì, nhưng bảo kể tên đủ 4 người thì tôi chịu. Đấy là tóm tắt kiến thức Cantopop (Cantonese popular music) của tôi vậy.

Về nhà liền online vào Google, tìm được hai video clip dưới đây, vừa nghe vừa lẩm bẩm: không ngờ thị hiếu âm nhạc mình lại có lúc xuống cấp như thế này, đã nghe nhạc Hoa, còn nghe thêm nhạc hải ngoại. Các bạn thứ lỗi cho cái định kiến cố hữu trong con người tôi, hai thứ nhạc đó từ xưa đến giờ chẳng mấy khi tôi lắng nghe. Các bạn kiên nhẫn chờ tôi vài lời giải thích. Lẽ cố nhiên, bỏ qua những định kiến ngôn ngữ, dân tộc, bất kỳ nền âm nhạc nào cũng có những điểm hay. Cantopop sản sinh ra rất nhiều ca khúc hay, đơn cử như bài này. Nhưng so với nhạc phương bắc, nhạc phương nam Trung Quốc có quá nhiều mùi… quân tử Tàu (đúng như nghĩa chúng ta hay dùng). Đã nghe nhiều nhạc bắc phương hay nên tôi có chút ác cảm với Cantopop.

Thứ đến là nhạc hải ngoại… Khi tôi còn nhỏ, ở những sân khấu trong nước, chỉ một cây organ được xem như “dàn nhạc”, thì nhạc hải ngoại với hòa âm phối khí, kỹ thuật hiện đại nghe khá ấn tượng. Nhưng cũng ngay từ lúc ấy, tôi đã nhận thấy, nhạc Việt hải ngoại như cây bị bứng khỏi gốc, ngày càng thiếu sinh khí, càng nặng về giải trí và nhẹ nghệ thuật. Những Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương… vốn cũng từ đất Việt này mà đi, nhạc của họ thời kỳ đỉnh cao nhất vẫn là lúc còn ở trong nước vậy. Hôm nay tạm bằng lòng với cái chất quân tử Tàu này một lúc vậy, suy cho cùng đó cũng là một thuộc tính của âm nhạc.

那有一天不想你

gió lạnh đầu mùa


ằng năm vào độ sau ngày tựu trường, lũ học sinh chúng tôi biết rằng những ngày vàng ươm nắng này dài chẳng bao lâu, gió lạnh cuối thu sẽ tràn về. Cái cảm giác giao mùa, cũng như sự trông ngóng nó thật đáng yêu, hầu như chúng ta ai cũng sẽ nhớ tới nhà văn Thanh Tịnh: Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc… Riêng tôi, tôi đã không yêu Ngày khai trường (Thanh Tịnh) bằng Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam. Đơn giản vì Gió lạnh đầu mùa chính xác là cái không gian của tuổi thơ tôi, cái không gian giản dị mà ấm áp, đẹp như những mãng màu-nguyên tranh Bùi Xuân Phái.

Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhìn thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi. (Gió lạnh đầu mùa – Thạch Lam)

Cũng là cậu bé Sơn (trước khi mang cái tên bây giờ, tôi có cái tên khác là Bảo Sơn), cũng những mẫn cảm được gợi lại chính xác như trong truyện… Lớn lên một chút, tôi bắt đầu lang thang tìm hiểu về cái không gian mình đang sống: những đồi núi chập chùng, đẹp như mơ của vùng trung du Đại Lộc, những tháp Chàm vùng Bằng An, Bảo An, những vùng đất đá ong xưa nhiều ngấn lệ Mỹ Sơn, Duy Xuyên… Đi nhiều để mà cảm nhiều hơn, về những điều lẫn khuất bên dưới một không gian bấy giờ tiêu điều và nghèo đói.

Rồi tôi tìm ra chính xác rằng, cái không gian của Gió lạnh đầu mùa là ở Cẩm Phô, Hội An. Nơi gia tộc Nguyễn Tường với ba anh em nổi tiếng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân sinh sống. Không ít, nhưng cũng không nhiều người biết về ba anh em nhà Nguyễn Tường này: Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng; Nguyễn Tường Long tức nhà văn Hoàng Đạo (người bị Việt Minh thủ tiêu trong vụ án phố Ôn Như Hầu), Nguyễn Tường Lân tức nhà văn Thạch Lam, tác giả cuốn truyện của tôi. Ba anh em Nguyễn Tường, bên cạnh hoạt động chính trị, còn là những người thành lập nhóm Tự lực Văn đoàn lừng lẫy.

Sự nghiệp của gia tộc này thiết tưởng không cần phải nhắc đến nhiều. Ở đây, tôi chỉ muốn hồi tưởng lại cái không gian Gió lạnh đầu mùa của vùng Cẩm Phô, Hội An ngày nào. Cái không gian ấy thật lạ lùng, thô ráp như bao không gian xứ Quảng khác, vừa ẩn chứa nét tinh tế ngấm ngầm của phố cổ. Chỉ nơi ấy mới đẻ ra được những Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn và đặc biệt là những rung động xao xuyến của tình yêu thủa ban đầu Dưới bóng hoàng lan.

Ngoài vườn, trời vẫn nắng. Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về… Chàng đột nhiên mỉm cười, rồi hỏi: – Cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không? Nga cũng cười hơi thẹn: – Vẫn nhặt đấy. Nhưng không có ai tranh nữa. Nàng nhìn Thanh, nắng như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ, và sẽ vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng. (Dưới bóng hoàng lan – Thạch Lam)

nhạc việt lời hoa

我又来到昔日海边 海风依旧吹皱海面 那样熟悉那样依恋 只有旧日人儿不见

Tôi lại tìm đến bến nước ngày xưa, gió cũng như năm nào lồng lộng thổi vào mặt. Bóng dáng cũ vẫn còn in đậm trong tôi, nhưng người xưa nay đã không còn thấy nữa…

hạc Hoa lời Việt là điều quá ư bình thường, hôm nay xin mạn phép post một vài bài nhạc Việt lời Hoa. Hiểu theo nghĩa: là nhạc Việt nhưng được đặt lời Hoa và có phổ biến ở Hồng Kông, Đài Loan hay Trung Hoa lục địa. Lục tìm trong kho Tân nhạc Việt Nam, bằng trí nhớ mù mờ của mình, tôi được biết ít nhất hai bài hát Việt đã được đặt lời Hoa, được hát và thành công lớn ở Hồng Kông và Đài Loan. Và kỳ lạ là cả hai bài đều xuất phát từ địa danh Hội An, Điện Bàn, Quảng Nam. Một bài là Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, một nữa là bài Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối. Bài hát được biết đến trong tiếng Hoa dưới cái tên rất chi đại khái: Việt Nam tình ca hay Nam hải tình ca. Ngay từ phần đầu tiên của lời hát, đã có thể thấy nó được dịch thoát từ lời Việt:

Nắng chiều - Lệ Thu 

越南情歌 - Việt Nam tình ca 
作曲:黎重阮 歌手:费玉清

Nghe trong tiếng Việt hay Quan thoại, bài ca đều rất hay. Nắng chiều có dáng nhạc thật đặc biệt, vì có cả giai điệu ngũ cung và thất cung hòa quyện vào nhau. Tìm kiếm bằng tiếng Hoa thật khó (ít nhất là với người không quen như tôi), tôi chỉ tìm được một bản karaoke của phiên bản tiếng Hoa này. Bản đầy đủ (do ca sĩ chuyên nghiệp trình bày) và cả ca khúc Xuân và tuổi trẻ xin khất lại đến hôm khác (Update Jan 20, 2009: bản lời Hoa trên do ca sĩ Đài Loan Phí Ngọc Thanh费玉清 trình bày. Về lời Hoa bản nhạc Xuân và tuổi trẻ, xin xem post sau).

Hội An là nơi đã từng có cuộc sống văn vật rất phong phú, vì là nơi tụ hội của cả người Việt, người Hoa, người Nhật. Mẹ tôi thường kể rằng, ngày xưa mỗi sáng ở Hội An, ở những nhà buôn bán, chủ nhà đều cầm bàn tính (gọi theo từ địa phương là bàn-xáng) gõ nhịp và hát một khúc ca cầu mua may bán đắt đầu ngày. Hai ca sĩ nổi tiếng “dòng nhạc dân tộc”: Ánh Tuyết ở trong nước và Ngọc Hạ ở hải ngoại đều xuất thân từ Hội An. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết trong hồi ký rằng cư dân Hội An là những người tiếp thu và hưởng ứng Tân nhạc nồng nhiệt nhất, suốt trên Con đường cái quan ông đã đi từ Bắc chí Nam theo gánh hát Đức Huy.

Dư âm cuộc sống tinh thần phong phú ngày trước vấn còn lưu lại đâu đó, mỗi lần tôi về Hội An, vẫn đi trong lòng phố cổ cố tìm lại những hương xưa… Nhớ lại những Tết năm nào, xác pháo đỏ và xác mai vàng nhuộm những màu-nguyên toàn thị xã, những không gian tuyệt đẹp phía Cẩm Nam, Cẩm Phô và vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Tiếc rằng rất nhiều điều đã mai một (phố cổ thì ít, phố kệch cỡm giả cổ thì nhiều) chính trong cái lòng phố nửa thôn quê, nửa thành thị ấy.

Một vài bìa nhạc Lê Trọng Nguyễn:

đoàn lữ nhạc


Poster Đoàn lữ nhạc, NXB Cửu Long

A ha, a ha! Hãy nhớ vết xưa tàn phá! Đâu, đâu? Ai biết lũ chim về đâu? A ha, a ha! Hãy cất tiếng lên cười phá! Dzô, dzô! Kìa những bóng chim hải hồ!

ó một từ, tiếng Anh là the troubadours, tiếng Pháp gọi là les troubadours, tiếng Việt thường gọi là người hát rong, du ca, lữ nhạc… Chỉ riêng một từ này mà hai đại nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn (và cả một số người khác) phải “đánh nhau” để dành lấy, từ trước 75 và kể cả về sau này. Một “danh hiệu” mà nhạc sĩ nào cũng ao ước đạt được, ai cũng nhận mình là kẻ du ca của dân tộc Việt, đi qua những nẻo đường đời lưu đày và kể lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy.

Như ngày xưa Homère kể lại lịch sử thành Troie bằng hai trường ca Odyssée và Iliade. Mọi câu chuyện đều thường bắt đầu đại loại như thế này: để tôi kể bạn nghe câu chuyện, một lần một ngày kia, tôi đã đi qua và đã thấy…. Hình thức kể chuyện hát rong, từ xa xưa đã là một lối văn nghệ và lịch sử truyền khẩu, đến tận bây giờ vẫn là một đề tài đầy cảm hứng.

Đoàn lữ nhạc - Ánh Tuyết 

Có một nhạc phẩm ít người biết của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, mang tên Đoàn lữ nhạc. Trong những năm 1945 ~ 1975 ở miền Bắc, khi nhiệm vụ chiến tranh là trên hết, việc ra đời của Đoàn lữ nhạc quả là một điều kỳ lạ. Nói như một bài hát khác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi, trong một giai đoạn như thế lại có lời ca: Ra đi khắp nơi xa vời, gió bốn phương kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi… Đâu, đâu? ai biết lũ chim về đâu. Sau này, những nhạc phẩm thế này đều được chọn lọc và biểu diễn trở lại. Tôi đã nghe biểu diễn bài này hai lần, một lần ở phòng trà ATB (Sài Gòn), một lần ở phòng trà Hợp Phố (Đà Nẵng), cả hai lần đều là những ấn tượng khó quên.

bến xuân

huyện về ca khúc Bến xuân kể ra đây nghe như một giai thoại, nhưng lại là chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện về mối tình giữa nhạc sĩ Văn Cao và người đẹp Hoàng Oanh. Một chương trình truyền hình, tôi quên mất là chương trình nào, phỏng vấn Văn Cao và Hoàng Oanh và kể lại mối tình giữa hai người.

Ngày ấy hai người yêu nhau, nhưng cùng yêu người đẹp Hoàng Oanh còn có ca sĩ Kim Tiêu và nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng), hai người bạn thân của Văn Cao trong ban nhạc Đồng Vọng nổi tiếng đất cảng Hải Phòng một thời. Nhưng khi cưới, nhà cô Hoàng Oanh thách cưới quá nặng, chỉ có một người đáp ứng đủ yêu cầu và cưới được người đẹp, đó là nhạc sĩ Hoàng Quý.

Bến xuân - Hà Thanh 

Cô Hoàng Oanh vì áp lực gia đình không thể làm khác, nhưng vẫn đến thăm Văn Cao một lần cuối, đó là nguyên lai lời ca: nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần… tới đây chân bước cùng ngập ngừng, mắt em như dáng thuyền soi nước…. Mối tình rất đẹp, đến nỗi làm lời cho ca khúc Bến xuân này, có sự tham gia của ít nhất hai nhạc sĩ tài năng là Văn Cao và Phạm Duy. Tôi trích đây lại nguyên văn lời tỏ tình thô mộc của nhạc sĩ Văn Cao: ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ 😬.

Mời các bạn nghe Bến xuân qua trình bày của Hà Thanh, muốn biết giọng Huế xưa như thế nào, có lẽ tốt nhất hãy nghe giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hà Thanh (nhất là bài ca Ai lên xứ hoa đào – Hoàng Nguyên).

ngày độc lập

gày này năm xưa, mùng 2 tháng 9, mẹ tôi còn nhớ lại, ông ngoại cõng mẹ tôi trên vai, lúc đó vừa hơn 3 tuổi, vừa đi tham gia biểu tình mừng ngày độc lập, vừa đi vừa hát: mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng… (Chiến sĩ vô danh – Phạm Duy). Những kỷ niệm về ông ngoại mà mẹ tôi còn nhớ mãi suốt đời, khi ông tôi ôm đàn mandolin hát những lời ca: đây An Phú Đông, ôi An Phú Đông, ngày nào quân đi reo bao hùng dũng… (An Phú Đông – Võ Đức Thu).

Chiến sĩ vô danh – Hùng Cường 

Ông ngoại đã theo Việt Minh đi kháng chiến, nhưng về sau phải bỏ về vì nhà có gốc gác phong kiến và thực dân quá lớn. Lịch sử còn vương lại đâu đó trong từng gia đình. Một thời lý tưởng đẹp đẽ, người người đã cống hiến không tiếc những gì tốt đẹp nhất.